Nhạc phim truyền hình: “Miền đất hứa” của nhạc sĩ? - Tạp chí Đẹp

Nhạc phim truyền hình: “Miền đất hứa” của nhạc sĩ?

Review

Từ nghiệp dư đến bán chuyên

Cách đây hơn 10 năm, khi Hãng phim Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (TFS) tung ra đĩa nhạc tổng hợp bao gồm các ca khúc nhạc phim truyền hình ăn khách thời gian đó như Giã từ dĩ vãng, Dòng sông không trở lại… mới phần nào đo được sự chú tâm của khán giả và giới chuyên môn với nhạc phim truyền hình. Thậm chí cũng thời gian đó, rất nhiều nhạc sĩ để lại dấu ấn sâu đậm với khán giả chính bởi những ca khúc viết chop him, như Trọng Đài với Chị tôi (phim Người Hà Nội), Dương Đức Thụy với Hoa cỏ may (trong phim cùng tên), Xuân Phương với Mong ước kỷ niệm xưa (phim Xin hãy tin em), Nguyễn Đức Trung với Thiên đường mong manh (phim Đồng tiền xương máu)… Dẫu vậy, đó chưa thể gọi đầy đủ là nhạc phim, mà chỉ là ca khúc chủ đề của phim – một phần của nhạc phim.

Ở nước ngoài, nhạc phim từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu để các nhà sản xuất phim phải lưu tâm. Tuy nhiên, ở phim Việt, nhạc phim vẫn chỉ dừng lại ở vai trò tô điểm cho đầy đủ các yếu tố cấu thành một bộ phim hiện đại. Và điều đó càng rõ hơn ở lĩnh vực phim truyền hình. Mỗi năm nhà đài lẫn các hãng phim sản xuất khoảng vài trăm phim truyền hìnhm có vẻ là ”miền đất hứa” vô cùng xán lạn cho các nhạc sĩ sáng tác. Thế nhưng thực tế cho thấy việc chạy đua sản xuất cho kịp tiến độ, đúng “thời vụ” đã đẩy chất lượng phim truyền hình đi xuống, kéo theo đó là sự giảm sút chất lượng âm nhạc trong phim. Không ít phim truyền hình Việt công chiếu gây cho khán giả cảm giác “nhạc một đằng phim một nẻo”. Nhiều phim thậm chí còn “mượn” những bản nhạc bất hủ của nước ngoài mà gút lại không phù hợp với tổng thể chung của phim, mà nói như nhạc sĩ Phú Quang thì “phim nào cũng thấy dùng nhạc của Beethoven, Mozart, Schubert, Tchaikovsky… một cách vô tội vạ mà không hề có một chủ đề”. Đó là chưa kể không ít những ca khúc được viết vội vàng cho có, chẳng ăn nhập gì nội dung, tư tưởng của bộ phim. Thậm chí có những ca khúc chỉ vang lên khi phần Generic cuối phim xuất hiện chứ không làm tròn bổn phận vốn có của nó là tóm tắt một phần nội dung câu chuyện, hoặc cảm xúc của nhân vật chính.

Không phải các nhà làm phim hay các nhạc sĩ xứ mình chẳng nhận ra tầm quan trọng của âm nhạc trong phim. Nhạc sĩ Xuân Phương từng nói: “Âm nhạc có thể coi là một phần không thể thiếu của phim. Ngày xưa, khi chỉ có phim câm thì âm nhạc là linh hồn… Âm nhạc có thể truyền tải nội dung, nội tâm nhân vật vì đôi khi có những tình huống nhân vật không cần nói gì cả một đoạn dài, lúc này âm nhạc sẽ lên tiếng nói lên tâm trạng, suy nghĩ của nhân vật”. Nhưng sự thiếu chuyên nghiệp của phần nhạc trong phim Việt mãi vẫn luẩn quẩn ở chỗ nhà làm phim đổ thừa nhà sản xuất, nhạc sĩ đổ thừa do tiền thù lao thấp. Cũng chính nhạc sĩ Xuân Phương khẳng định công việc sáng tác nhạc phim quan trọng và vất vả nhưng tiền thù lao thậm chí chỉ vài trăm ngàn đến một triệu đồng là xem thường lao động của họ. Như vậy, liệu nhạc phim truyền hình có thực sự là đất sống cho các nhạc sĩ? Và khi không có được sự đầu tư thỏa đáng thì liệu tài năng chuyên nghiệp của các nhạc sĩ có trở thành nghiệp dư hoặc bán chuyên trong thế giới nhạc phim truyền hình rất đặc biệt hiện nay?

Không phủ nhận nhiều ca khúc khi đứng riêng thì rất hay, nhưng đưa vào phim lại trở nên bất hợp lý, vậy nên rất khó để phân biệt được liệu có nhà làm nhạc phim truyền hình nào chuyên nghiệp và thành danh hay không. Đến nay, làm nhạc cho phim truyền hình cũng chỉ gói gọn ở việc chọn tên tuổi nhạc sĩ và ca sĩ đang ‘hot’ trên thị trường, để thu hút khán giả, như trường hợp nhóm VMusic giới thiệu Single “Đợi chờ một tình yêu” trong phim “Sao đổi ngôi”, hay như MV Tình yêu diệu kỳ của Khương Ngọc vẫn được các kênh âm nhạc phát sóng dẫu phim kết thúc đã lâu. Rốt cuộc, đó cũng chỉ là ca khúc chủ đề và không hề liên quan đến cái gọi là OST nhạc phim chính thống. Ngoài nhạc sĩ sáng tác, có lẽ mỗi phim truyền hình còn cần có cả giám đốc âm nhạc để lựa chọn bài hát và tạo ra được một đĩa nhạc phim hoàn chỉnh và chuyên nghiệp như các nước trên thế giới vẫn đang làm.

Những kẻ tiên phong

Minh Thư, Thủy Tiên, Mỹ Tâm… có lẽ sẽ là những cái tên đầu tiên mang đến diện mạo mới mẻ hơn cho nhạc phim truyền hình. Từ những Bỗng dưng muốn khóc đến Ngôi nhà hạnh phúc, Cho một tình yêu… rõ ràng chất nhạc trẻ trung và gần gũi  với thành thị đã giúp cho khán giả có cái nhìn thực tế hơn về nhạc phim. Tất nhiên, thành công của những nhạc phim truyền hình kể trên phần nhiều nằm ở tên tuổi của các nhạc sĩ chấp bút và thể hiện. Một điều dễ nhận thấy và đáng thất vọng của showbiz Việt là các nhà sản xuất dường như cố tình bỏ quên việc hoàn tất ghi âm và xuất bản các đĩa OST ra thị trường nhanh chóng, thậm chí là ngay cả trong thời gian bộ phim được trình chiếu trên sóng truyền hình, để tạo hiệu ứng với khán giả. Việc chậm trễ khiến người hâm mộ trẻ tuổi nôn nóng chờ đợi, dễ dẫn đến sự lụi tàn về cảm xúc và biến sức hút của cả bộ phim lẫn nhạc phim chìm nhanh nếu như không có những kênh khác mua về phát sóng lại sau đó.

Phim “Bỗng dưng muốn khóc”

Không thể phủ nhận việc Thủy Tiên cho ra CD nhạc phim “Ngôi nhà hạnh phúc” với 8 ca khúc chính cô sáng tác và trình bày hay Mỹ Tâm gây sốt với các sản phẩm ăn theo phim “Cho một tình yêu” bài bản không thua gì Drama Hàn Quốc. Nhưng nhìn chung, không phải nhà sản xuất nào cũng can đảm đầu tư như 2 ví dụ kể trên, và cũng không đạo diễn nào như Vũ Ngọc Đãng có thể đau đầu: “tìm nhạc sĩ viết nhạc cho phim còn khó hơn tìm diễn viên”. Cũng nên nhớ rằng những trường hợp làm nhạc phim một cách thống nhất như trên, hầu hết đều không phải nhạc sĩ viết riêng mà là do “có liên quan”: Thủy Tiên đóng vai thứ chính trong “Ngôi nhà hạnh phúc”, Mỹ Tâm đóng vai chính kiêm luôn vai trò quan trọng của việc làm nhạc phim truyền hình, là giám đốc âm nhạc của “Cho một tình yêu”.

Với mật độ phim truyền hình ồ ạt trên các kênh sóng hiện nay sẽ thật vô lý khi nói các nhạc sĩ… khó sống. Họ vẫn sống tốt với nghề viết nhạc phim (như Trọng Đài, Xuân Phương…) nhưng những sản phẩm của họ không khiến cho người ta thấy “đã” khi các nhà sản xuất phim còn làm việc cầm chừng, thiếu liên kết và đầu tư thật sự cho họ. Còn những kẻ tiên phong 8x liệu có đủ thời gian, sở thích để nuôi dưỡng nhạc phim truyền hình theo hướng chuyên nghiệp, trong khi họ vốn không phải là những kẻ mặn mà với công việc viết nhạc chop him? Nếu các nhà đầu tư không tạo điều kiện cho nhạc sĩ làm nhạc phim thì có lẽ, sẽ rất khó tạo ra được sân chơi ổn định, thuận lợi đôi bên cho cả nhà sản xuất (và ekip thực hiện) và khán giả.

Tuyên Đỗ (theo Sành điệu

Thực hiện: depweb

31/01/2013, 10:36