Nhà sản xuất - Tài trợ “khủng” vẫn… mất ngủ - Tạp chí Đẹp

Nhà sản xuất – Tài trợ “khủng” vẫn… mất ngủ

Giải Trí

Bán được vé vẫn lỗ

Một tháng trước khi diễn ra Monsoon Music Festival 2016 (MMF), nhà sản xuất chương trình – nhạc sĩ Quốc Trung vẫn đang phải “ngồi trên lửa”: Hẵng còn thiếu ít nhất 4 tỷ đồng nữa mới đủ trang trải cho lễ hội âm nhạc thường niên lớn nhất Việt Nam. Dù năm nay, cũng như trong vòng 5 năm tới, MMF đã có được một khoản tài trợ “khủng”, đủ để gánh non nửa tổng chi phí cần có, cho mỗi mùa. Đổi lại, chương trình từng hai lần được xướng tên tại giải Cống Hiến suốt hai mùa liền (2014, 2015) đành phải chấp nhận cõng thêm tên nhà tài trợ vào tên chương trình. Quốc Trung cho biết, đấy là một quyết định không mấy dễ dàng với anh và cả ê kíp, sau 3 mùa khẳng định thương hiệu. Nhưng cuối cùng vẫn phải thấy rằng: Thà chấp nhận đổi tên chương trình, còn hơn là dừng cuộc chơi vì không chịu nổi nhiệt. Huống hồ, còn là một cam kết tài trợ trong vòng 5 năm.

Đạo diễn trẻ Nguyễn Phi Phi Anh

Nhà sản xuất gạo cội của showbiz Việt, sang đến mùa thứ 3 của Monsoon vẫn thở hắt, nói: “Trông vào tiền bán vé ở ta luôn là điều khó lường! Không ít khán giả có thể bỏ tiền triệu đến hàng chục triệu để shopping, hay cất công bay sang các nước láng giềng để xem những ngôi sao tương tự, nhưng mấy trăm ngàn mua vé (để được xem Scorpions tại Việt Nam), thì lại… chê đắt”. 

MMF năm nay bán vé cao hơn năm ngoái một chút, nhưng không đáng kể: 780.000VND (combo cho cả 3 đêm 21-22-23/10; hôm Trung thu còn bán một lượng vé hạn chế với giá 390.000VND/combo); còn giá bán lẻ cho 2 đêm đầu là 220.000VND/vé, riêng đêm cuối cùng có sự góp mặt của Scorpions thì là 660.000VND/vé. “Trong khi đó, để được xem một đêm diễn có Scorpions trên thế giới, giá vé thông thường đều dao động từ 100 – 200USD/vé (gấp từ 3 – 7 lần)” – nhạc sĩ Quốc Trung cho biết. 

Cùng thời điểm, dự án nhạc kịch “HOPE” (Mộng ước) của tay đạo diễn trẻ Nguyễn Phi Phi Anh cũng được khởi động trong tháng 10 này và kéo dài cho đến tháng 1/2017, bao gồm 35 suất diễn: công diễn lại hai vở nhạc kịch từng gây sốt (“Góc phố danh vọng” – 2012, “Đêm hè sau cuối” – 2013) và ra mắt vở mới (“Mộng ước không xa vời”). Cũng đã là mùa thứ 3 nhà sản xuất dự án nhạc kịch này chinh phục khán giả, và vẫn còn nhiều điểm tương đồng khác nữa với Monsoon. Nếu như trong năm đầu, Monsoon – theo nhạc sĩ Quốc Trung là lỗ hơn 600 triệu đồng, sang năm thứ hai lỗ hơn 1 tỷ đồng…, thì hai vở đầu của Nguyễn Phi Phi Anh dù từng gây sốt vé cũng vẫn lỗ như thường: “Góc phố danh vọng” lỗ mất mấy chục triệu đồng, “Đêm hè sau cuối” thì lỗ hơn trăm triệu đồng…” – Phi Anh cho biết. Mức độ lỗ tất nhiên không thể so sánh, vì một đằng là nỗ lực mời các ngôi sao quốc tế đến Việt Nam, một đằng là nỗ lực với những cái tên không phải ngôi sao mà vẫn… bán được vé.

Tương tự Monsoon, sang đến năm nay, dự án nhạc kịch của Nguyễn Phi Phi Anh cũng lần đầu tiên may mắn gặp được một nhà tài trợ “khủng”. Nhưng nhà sản xuất cũng không vì thế mà được ăn ngon ngủ yên. “Lắm lúc đầu tôi cứ gọi là căng như dây đàn vì một mặt vừa phải lăn lê qua các phòng tập (35 suất diễn thực sự là cả một quả núi!), một mặt lại quay cuồng với chiếc điện thoại vì lo tiền không về kịp để mà trang trải.” – một Phi Anh vốn đã nhỏ con, nay lại càng còm cõi trong bộ dạng thiếu ngủ trầm trọng, vì phải gánh trên vai quá nhiều “vai diễn”.

“Kỹ nghệ… giống Tây” có giúp “mộng ước bớt xa vời”?

Tiền bán vé dù không thể giúp gánh hết trang trải, nhưng vẫn phải tìm đủ mọi cách để bán vé và kéo khán giả đến với cuộc chơi. Là sản phẩm của một nhà sản xuất trẻ, vừa mới tốt nghiệp trường Đại học Hampshire College (Mỹ) – chuyên ngành sân khấu và điện ảnh, “HOPE” có một cách bán vé thông minh và mang nhiều thông điệp nhân văn, gắn liền với tên dự án. Ngoài mức vé đại trà 300.000VND và 199.000VND dành cho học sinh sinh viên, còn có một gói vé mang tên “Hy vọng”, với mức giá đặc biệt: chỉ 99.000VND, để người mua có thể mua thêm một suất vé nữa tặng người nghèo. Như lời gợi ý đẹp từ nhà bán vé, gắn liền với thông điệp của vở: “Đó có thể là một cậu bé đánh giày ngày ngày ngồi bên quán cà phê vỉa hè, một cô bán rau cặm cụi mỗi buổi chiều muộn, một em chạy bàn nhỏ bé trong quán phở, một anh thợ xây đang mang trọng bệnh, một bác hàng xóm ngày ngày loanh quanh xó bếp nội trợ chẳng mấy khi diện bộ đồ đẹp để ra phố…”  

Monsoon năm nay theo dự kiến cũng sẽ đón một gương mặt quen mà lạ: Anna Trương – con gái lớn của nhà Anh Quân – Mỹ Linh, cùng Land – ban nhạc Tây của cô. Anna hiện đang học về sản xuất âm nhạc tại ngôi trường danh tiếng: Berklee College of Music của Mỹ. Và khi nói về những làn gió mới như Anna Trương hay Nguyễn Phi Phi Anh, nhạc sĩ Quốc Trung đã phấn chấn nhận định: “Đúng nghĩa ra, đây mới là thế hệ các nhà sản xuất chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam, vì được đào tạo bài bản và có một trường quan sát đáng kể, từ bên ngoài. Chưa kể, còn là sức trẻ. Còn trước đó, phần lớn chúng tôi đều là các nhà sản xuất tự phát, bán chuyên nghiệp vì vừa làm vừa mày mò và không ai được đào tạo để trở thành một nhà sản xuất chuyên nghiệp cả. Dù rằng không phải bất cứ cái gì các bạn được học, khi về đến Việt Nam cũng có thể tìm được đất dụng võ nhưng ít ra, cũng phần nào mang tới những định nghĩa về sự chuyên nghiệp, bài bản, hơn là ‘ma giáo’, hay chủ yếu cậy nhờ quan hệ, quen biết… – như cách làm phổ biến lâu nay ở ta”.  

Thế nhưng, đạo diễn 9X Nguyễn Phi Phi Anh thì lại có một cái nhìn ngược lại: “Tôi thì tất nhiên không được đào tạo để trở thành một nhà sản xuất âm nhạc, mà là một đạo diễn sân khấu – điện ảnh. Nhưng cũng được coi là ‘được đào tạo bài bản’. Tuy nhiên, tôi không nghĩ những người trẻ được đào tạo bài bản lại có thể ‘qua mặt’ được những nhà sản xuất gạo cội, am hiểu thị trường Việt như nhạc sĩ Quốc Trung và thế hệ của anh. Có vào việc mới biết, có thể nói chưa ở đâu nhà sản xuất phải ôm quá nhiều việc như ở Việt Nam, nên phải nói các anh quá giỏi! Quá kiên trì! Vì trên thực tế chẳng có trường nào ở Mỹ có thể dạy làm một nhà sản xuất ở Việt Nam được. Để thành công trong một thị trường thiếu chuyên nghiệp như ở Việt Nam, thì cái gạch đầu dòng ‘được đào tạo bài bản’ theo tôi chỉ là một mẩu siêu nhỏ. Cái chính là sự may mắn và sự giúp đỡ của rất nhiều người…”. 

Bài: Lê Quân

logo

Thực hiện: Phạm Hương Thủy

17/10/2016, 16:22