Nghệ sĩ Quyền Linh: Tôi từng mất nhiều người bạn vì xài hàng Việt - Tạp chí Đẹp

Nghệ sĩ Quyền Linh: Tôi từng mất nhiều người bạn vì xài hàng Việt

Giải Trí

– Được biết anh là đại sứ hàng Việt “không cát-sê” từ lâu. Anh bắt đầu làm công việc này từ khi nào và vì sao?

– Khoảng năm 2006 – 2007, tại Tp.HCM có một câu lạc bộ đại sứ hàng Việt, do bên Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ doanh nghiệp BSA thành lập, tôi và một số anh em nghệ sĩ tham gia từ đầu như chị Kim Xuân, anh Tạ Minh Tâm…, đều với tư cách là hoạt động thiện nguyện. Ở thời điểm đó, hàng Việt không bán được ở thị trường Việt Nam, công nhân thất nghiệp, nhiều doanh nghiệp đứng bên bờ vực đóng cửa…

Nhiệm vụ của các đại sứ lúc đó là xuất hiện ở bất cứ đâu đều dành chút ít thời gian nói về hàng Việt. Từ đó đến nay, tôi vẫn là chủ nhiệm câu lạc bộ đó. Đến giờ, sức lan tỏa của hàng Việt Nam đối với người Việt đã rất lớn rồi.

– Anh nhìn thấy sự phát triển của hàng Việt tại Việt Nam diễn ra thế nào?

– Sự phát triển của hàng Việt tại thị trường nội địa rất nhanh. Nhiều cửa hàng hiện nay còn sử dụng chiêu mua hàng không rõ nguồn gốc, hàng Trung Quốc rồi gắn mác “Made in Vietnam” để bán. Điều đó chứng tỏ sức hấp dẫn của hàng Việt. Chúng tôi rất tự hào và hạnh phúc khi mình góp được chút công sức nhỏ bé vào kết quả này.

Nhớ lại thời gian đầu đi vận động bạn bè, người thân dùng hàng Việt, có người còn mắng nữa. Họ bảo: “Bộ điên sao mà đi xài hàng Việt?”, tôi buồn lắm. Nhiều lần trong các chuyến lưu diễn về miền Tây, khi kêu gọi khán giả ủng hộ hàng Việt, có người còn cho là tôi “ăn tiền” của các doanh nghiệp trong nước rồi đi quảng bá cho họ. Nhưng mình đâu có vì thế mà nản, mà đầu hàng được.

Tôi và chị Kim Hạnh (chủ tịch bên BKA) vẫn tổ chức những chuyến đi đến khắp các vùng thành thị, nông thôn để kể cho họ nghe những câu chuyện về người công nhân thất nghiệp. Tôi còn nhớ rõ tại một số doanh nghiệp lúc bấy giờ, trong cuộc liên hoan, ở phần bốc thăm trúng thưởng, thay vì được nhận phần thưởng, thì “phần thưởng” may mắn là những tấm phiếu ghi: “được tiếp tục làm việc”. Đồng nghĩa, người bị nghỉ việc rất đông. Công nhân phải nghỉ việc không phải vì họ không làm tốt mà vì doanh nghiệp không có khả năng trả lương. Đó là một trong những cuộc rút thăm đầy nước mắt.

– Năm 2012, anh từng có phát ngôn khá sốc về việc dùng hàng hiệu của một số người: “Mọi người cứ tưởng dùng hàng hiệu đẳng cấp, đó là suy nghĩ sai lầm và sĩ diện… Tất cả chỉ là đẳng cấp dỏm”. Và phát ngôn này đã khiến anh gặp những ý kiến trái chiều từ không ít người nổi tiếng. Có bao giờ vì thế mà anh cảm thấy “chùn” hơn không?

– Nhiều người bạn thậm chí không chơi với tôi nữa vì chiến dịch ủng hộ hàng Việt Nam này. Có người bạn chơi thân với tôi còn nói: “Ông thích thì làm đi, tôi không thích nên không xài”. Tôi thực sự dùng đủ mọi cách thuyết phục mọi người. Tôi hiểu, đây là công việc thiện nguyện, chúng ta không thể ép họ được, nhưng tôi vẫn giữ quan điểm của mình.

– Khi hàng Việt đã trở thành “bạn đồng hành” của đa số người Việt, công việc của những “đại sứ thương hiệu” như anh là gì?

– Tôi luôn cho rằng, mọi hoạt động cần sự bền vững. Thời điểm mới bắt đầu, khi người dân còn quay lưng với hàng trong nước, chúng tôi vận động họ ủng hộ, truyền thông để họ hiểu chất lượng và giá thành hàng Việt hợp lý ra sao. Còn khi hàng Việt đã có chỗ đứng, chúng tôi lại tổ chức những sự kiện, những chiến dịch truyền thông: doanh nghiệp Việt cần làm gì cho người tiêu dùng Việt, nhắc nhở họ phải luôn tự khẳng định được chất lượng sản phẩm của mình, không phụ lòng tin của người tiêu dùng. Tôi luôn sẵn sàng đi nói chuyện với những doanh nghiệp chưa thực sự mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Chiến dịch đồng hành cùng hàng Việt đã trải qua thời gian dài, nhiều người bảo tôi là người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Nhưng thực ra, đến bây giờ công việc của Câu lạc bộ Đại sứ hàng Việt cũng nhẹ nhàng nhiều rồi.

– Đến nay, các sản phẩm “Made in Vietnam” không những xuất hiện tràn lan ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM mà đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước. Anh đánh giá thế nào về nỗ lực của hàng Việt?

– Trong cuộc hội nhập này, người Việt đã làm rất tốt. Hàng Việt được nâng tầm. Tôi nghĩ đó là kết quả của sự lắng nghe. Người tiêu dùng biết dừng lại để đánh giá, dùng thử, để hiểu được sản phẩm trong nước chất lượng không tệ như họ từng nghĩ. Phía doanh nghiệp đã biết lắng nghe ý kiến và thấu hiểu được nhu cầu người tiêu dùng. So với thời gian 2006 – 2008 hàng Việt không ai đụng tới, cho đến nay hàng Việt đã có tiến bộ vượt bậc, như vậy chứng tỏ doanh nghiệp Việt đã phấn đấu và thay đổi để phát triển. Hiện có nhiều thương hiệu lớn của Việt Nam tuy giá thành khá cao nhưng vẫn được người tiêu dùng chấp nhận.

– Trước đây anh chia sẻ, cá nhân anh gần như không mặc đồ hiệu nước ngoài. Bây giờ không cần ủng hộ hàng Việt “ráo riết” nữa, thói quen ăn mặc của anh có thay đổi?

– Tôi vẫn thế thôi! Thời nay người ta hay nói: ăn ngon, mặc đẹp. Mọi người có quyền làm đẹp nhưng theo tôi nên ưu tiên sử dụng hàng Việt có chất lượng. Vì thế, tất cả những sản phẩm trong gia đình tôi đều ưu tiên tiêu chí đó. Riêng đồ dùng của vợ con… thì tôi tùy vào nhu cầu của mỗi người, cũng không khắt khe như trước nữa (cười).


– Lý do của niềm tin “bất khả xâm phạm” vào hàng Việt ở anh là gì?

– Tôi là người sinh ra từ khó khăn, sau này có điều kiện thành công và sống sung túc hơn, nhưng tôi vẫn luôn thâm nhập vào thế giới người lao động, như một sự đòi hỏi tự thân, không được quên sự khốn khó. Càng đi nhiều, càng chứng kiến nhiều và hiểu đời sống của họ, tôi càng muốn làm cách nào đó để đời sống của họ tốt hơn lên. Có đến tận nơi công nhân ở, tới những khu công nghiệp có nhiều người lao động sinh sống, mình mới thấy đau đáu trong lòng. Cuộc sống của họ vẫn còn vất vả với đồng lương rẻ mạt lắm!

 

Chưa kể, khán giả của tôi 70 – 80% là người lao động, chính họ chứ không ai khác là người mang cho tôi vinh quang hôm nay. Nếu không có sự yêu thương của họ, tôi chẳng là ai hết. Vì vậy, tôi bắt buộc mình phải làm gì đó cho họ.

Trong hơn chục năm qua, tôi tham gia hơn chục chương trình liên quan đến người lao động, người nghèo như “Vượt lên chính mình”, “Thắp sáng ước mơ”… Tôi đã đi đến khắp những vùng quê nghèo nên tôi hiểu rất rõ những điều họ cần, những thứ họ có khả năng mua được. Tôi nghĩ ủng hộ hàng Việt, ủng hộ từng người lao động cũng chính là một cách thể hiện tình yêu đối với đồng bào mình, cũng là một cách thể hiện lòng yêu nước…

Chuyên đề: Made in Vietnam

Vẫn còn nhiều bài học, nhiều kinh nghiệm cần tích lũy thêm trên con đường ghi tên những sản phẩm “Made in Vietnam” lên bản đồ thế giới, nhưng chúng ta có quyền tự hào về những sáng tạo từ bàn tay, khối óc kỳ diệu của người Việt.

Và thêm một lần nữa, Đẹp xin được đồng hành cùng các thương hiệu Việt với chuyên đề “Made in Vietnam”.

Các bài viết trong chuyên đề Made in Vietnam trên Đẹp 198:

– Made in Vietnam 
– Nghệ sĩ Quyền Linh: Tôi từng mất nhiều người bạn vì xài hàng Việt
– Sour Jewelry: Điểm nhấn hoàn hảo cho trang phục
– Kym Việt: “Vết… tay tròn trên cát”
– Dolly: “Đếm giờ trên những bước giày”
– À Ố Show: Từ hồn dân tộc đến biểu tượng du lịch
– Phấn nụ Hoàng Cung: Bí mật từ cung cấm
– IVY Secret: Tròn hai vai diễn
– Gốm – Hồn đất Việt
– Chula: Tình yêu Hà Nội của một người Tây Ban Nha
– Nau Nau: Xanh, trẻ và vui!

Sản xuất: Hellos, Cẩm Huyên
Nhiếp ảnh: Monkey Minh
 Sắp đặt: Johnny

Đọc các bài viết trong chuyên đề Made in Vietnam trên Đẹp số 186 (Tháng 6/2014)

– Bandit9
– Tò He

Thực hiện: depweb

05/07/2015, 15:35