Nghệ sĩ Bùi Công Duy: “Làm văn hóa thì đừng mong đi tắt” - Tạp chí Đẹp

Nghệ sĩ Bùi Công Duy: “Làm văn hóa thì đừng mong đi tắt”

Sao

Tại Việt Nam, trong thời bao cấp, đời sống văn hóa của chúng ta thực ra từng rất tốt. Thời ấy, nhạc giao hưởng, nhạc kịch có nhiều đêm công diễn, những buổi triển lãm tranh cũng diễn ra định kỳ. Bẵng đi một thời gian, phong trào văn hóa bị trầm lắng. Rồi cùng với sự phát triển về kinh tế, từ năm 1995 đời sống vật chất của con người ngày càng được nâng cao, nhưng văn hóa không vì thế song song phát triển tịnh tiến. Văn hóa giải trí và đặc biệt văn hóa nghệ thuật đỉnh cao có giai đoạn dài bị gián đoạn. Cho đến khoảng 5 năm gần đây tôi mới bắt đầu nhìn thấy đời sống văn hóa được dần khôi phục trở lại. Một số dàn nhạc có được lịch diễn định kỳ trở lại, Nhạc viện Quốc gia Việt Nam cũng tổ chức dựng lại được một số vở cổ điển. Và tôi nhìn thấy, nhu cầu thưởng thức của công chúng luôn hiện hữu.


Nghệ sĩ Bùi Công Duy

Tôi từng nghĩ, sinh hoạt văn hóa của một thủ đô, không thể thiếu những hoạt động nghệ thuật xứng tầm. Từ khi trở về nước, tôi luôn suy nghĩ làm cách nào đó để đưa những thể loại nghệ thuật đỉnh cao mà mình có may mắn được xem, được tiếp cận trước, về Việt Nam. Tôi thấy vui khi mong muốn đó dần dần đang được hiện thực hóa.

Cùng với sự kiện công diễn vở ballet “Hồ Thiên Nga”, thủ đô mới đây vừa đón một band nhạc nổi tiếng khu vực, và sắp tới, một huyền thoại âm nhạc (Peaso Bryson) cũng có đêm diễn riêng. Những điều đó đều là tín hiệu vui, góp phần dựng xây bộ mặt văn hóa cho một thủ đô.

Huyền thoại âm nhạc Peabo Bryson sẽ có buổi biểu diễn riêng tại Việt Nam vào tháng 9/2015

Ở những nước tiên tiến, một nhà hát lớn, một đoàn nghệ thuật biểu diễn bao giờ cũng có các công ty lớn hoặc các nhà băng bảo trợ. Như một quy luật tất yếu, tôi cho rằng, khi đời sống văn hóa được nâng cao, đời sống văn minh hơn thì xã hội sẽ sản sinh ra nhiều giá trị khác. Thành ra đầu tư cho nghệ thuật bao giờ cũng là một sự đầu tư đường dài. Và một xã hội phát triển bền vững, các yếu tố kinh tế – văn hóa phải cân bằng. Thông qua các bộ môn nghệ thuật khác nhau như: hội họa, ballet, nhạc kịch, đời sống văn hóa sẽ được nâng cao.

Vở ballet “Hồ Thiên Nga” sẽ được công diễn ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội đêm 1/8

Nhiều người đặt câu hỏi, xem ballet với sân khấu thiết kế bằng phông màn vẽ tay, nghệ sĩ biểu diễn trên nền nhạc “sống” thì thích hơn hay xem nghệ sĩ múa ballet trên sân khấu 3D và âm thanh thu sẵn tốt hơn, tôi sẽ trả lời, tôi thích lối trình diễn cổ điển hơn. Nhưng tôi vẫn cảm thấy quá đỗi vui mừng khi khán giả thủ đô Hà Nội sắp có cơ hội được xem một vở ballet kinh điển. Cho dù, phiên bản lần này có sự cách tân so với một vở ballet truyền thống (nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu 3D và ánh sáng lazer – PV), nhưng đây là vở diễn đã được mang đi công diễn ở nhiều nước trên thế giới.

Giá trị của văn hóa không phải là những thứ có thể cầm nắm, để định hình bằng những con số định lượng nào đó, nhưng ai cũng biết nếu lan tỏa được rộng, hiệu ứng sẽ càng mạnh mẽ. Vì vậy, tôi ủng hộ những người dám đầu tư vào nghệ thuật, bởi họ ít nhiều nhận thức và đánh giá chính xác về giá trị nền tảng bền vững của sự phát triển. Điều này rất cần thiết và cực kỳ quan trọng, nhất là trong bối cảnh chúng ta vì khó khăn mà đang làm nhiều việc theo kiểu “đi tắt đón đầu”. Nhưng văn hóa thì chắc chắn không thể nào đi tắt.

Nghệ sĩ Bùi Công Duy

Ảnh: Mỹ Thanh, AAA cung cấp


logo

Thực hiện: depweb

30/07/2015, 19:19