Lê Thiết Cương - Trong căn phòng một nửa bóng tối - Tạp chí Đẹp

Lê Thiết Cương – Trong căn phòng một nửa bóng tối

Giải Trí

>> Lê Thiết Cương: Kẻ đi tìm chìa khóa

 


Lê Thiết Cương thường im lặng trên ghế trong những buổi chiều và một nửa anh chìm trong khoảng mờ tối. Đèn trong phòng không bật. Lúc nào đến đó tôi cũng thấy bóng mờ tối chiếm một nửa căn phòng. Những khoảng sáng có được là ánh sáng hắt từ ô cửa sổ lớn. Tôi chưa bao giờ thấy Cương bật hết đèn trong căn phòng ấy. Ánh sáng quá nhiều của những ngọn đèn làm cho Lê Thiết Cương cảm thấy con người anh và những đồ vật trong căn phòng trở thành những kẻ diêm dúa. Và hình như, trước sự diêm dúa của ánh sáng, Lê Thiết Cương luôn luôn trở thành một gã vụng về. Bởi ánh sáng như thế sẽ xóa mất toàn bộ không gian tâm hồn Lê Thiết Cương.


Và như một động tác của nghệ sỹ vũ đạo bậc thầy, Cương chỉ tay về phía cũng chứa một nửa bóng tối với một gương mặt xúc động chìm sâu. Ở đó là một bông hoa chuối đỏ được cắm kỹ lưỡng trong một chiếc bình. Một vẻ đẹp xa xôi mà da diết hiện ra. Cái vẻ đẹp như đã chết từ lâu trong quá nhiều người đang đi qua ngôi nhà ở phố Lý Quốc Sư ồn ã từ sáng sớm đến khuya khoắt. Cương rất thích thú một câu tôi viết về những ngôi nhà cổ ở Hà Nội trong thời đại bê tông hóa thành phố thơ mộng này. Tôi ví những ngôi nhà cổ của đất Tràng An bị chôn vùi giữa những ngôi nhà bê tông xấu xí và vô cảm như một người già bị con cháu giấu ở một căn phòng nào đó trong ngôi nhà mà khách đến chơi ít khi được nhìn thấy mặt. Không phải Cương thích câu văn đó của tôi mà Cương thích cách nhìn của tôi. Và bởi tôi đã vô tình chạm vào nỗi buồn bã và có lúc tuyệt vọng của anh về những vẻ đẹp đang từng ngày rời bỏ chúng ta ra đi. Sống trong một ngôi nhà giữa trung tâm Hà Nội nhưng có lẽ những chấn động của kinh tế và lối sống thời thượng khó mà lọt vào được căn phòng luôn một nửa bóng tối ấy. Thế nhưng, những chấn động của những gì liên quan đến sự phá vỡ hay mất đi của những vẻ đẹp thực sự lại thường xuyên làm náo loạn căn phòng này. Nhiều lúc tôi bước lên những bậc cầu thang mờ tối và dừng lại lặng lẽ nhìn Lê Thiết Cương. Tôi thấy Cương đang ngồi đó mà thực sự Cương đã trôi đến một nơi nào xa lắc trong ký ức buồn bã, tiếc nuối và trong suy tưởng của mình. Một ngôi chùa cổ bị xâm hại, một cái cây cổ thụ bị đốn hạ, một tòa nhà được dựng lên thô thiển giữa 36 phố phường xưa, một nhịp cầu Long Biên bị tháo dỡ, một khu thiên nhiên đang bị hủy hoại… đều trở thành những kẻ hành hung tâm hồn Cương.


Lê Thiết Cương không phải là một lão già, Lê Thiết Cương vẫn còn trẻ và như một kẻ lọc lõi biết tất cả những gì đang xảy ra ở cái đô thị mà sự thay đổi chóng mặt của nó không phải là sự phát triển mà là sự biến dạng, nhưng Cương lại sống một cuộc sống như lạc khỏi tất cả và như bị lộ ra trước tất cả. Bởi trong căn phòng nửa bóng tối ấy, Cương tự dựng lên và cố gắng nhiều lúc đến kiệt sức níu giữ bao vẻ đẹp đang rời bỏ mảnh đất của mình. Có người đã có lúc lướt qua đầu họ ý nghĩ về sự hoài cổ của Cương. Nhưng Cương không bao giờ là một kẻ hoài cổ. Cương là kẻ chưa bao giờ chậm nhịp với cuộc sống này và là kẻ biết ý nghĩa hóa và mỹ học hóa từng khắc thời gian đang giã biệt của mình. Bởi khi cái gì đã trở thành vẻ đẹp thì mãi mãi là vẻ đẹp và nó đủ quyền năng để ngự trị trên mọi xứ sở và mọi thời đại. Bông hoa chuối đỏ không bao giờ là quá khứ mà là của thời hiện tại, nó đang ở kia, trong một không gian chứa nửa bóng tối và tuyên ngôn về vẻ đẹp và sự thẳm sâu tột cùng của mình. Những vẻ đẹp giản dị và tinh khôi như thế chẳng làm cho bất cứ ai trở thành tâm điểm trước đám đông nhưng nó làm cho tâm hồn sâu kín của ta lộng lẫy và bình yên. Nó làm cho ta biết ta đang sống và đang được đón nhận ân hưởng của tạo hóa. Lê Thiết Cương tự nguyện trở thành kẻ nô lệ của những gì giống bông hoa chuối đỏ. Và bông hoa chuối ấy giống như một ngọn đèn trực tiếp hoặc gián tiếp soi tỏ những vẻ đẹp khác đang ẩn trong bóng tối của ký ức con người.


Trong căn phòng một nửa bóng tối ấy, vào những buổi chiều bạn bè tụ tập ở đó và cùng nhau dùng bữa tối, thi thoảng Lê Thiết Cương đứng dậy đi về phía nào đó của căn phòng. Lúc đó, tôi thấy Cương từ từ chìm vào bóng tối và như biến mất. Nhưng rồi từ khoảng tối căn phòng, Lê Thiết Cương lại từ từ hiện ra. Trên tay Cương lúc đó hoặc là một cuốn sách, hoặc là một đĩa nhạc, hoặc là một vật gì đó. Tôi thấy Lê Thiết Cương giống như một lão già canh giữ kho báu. Rồi Cương ngồi xuống trước bạn bè và bắt đầu cất giọng. Cương trở thành người phát ngôn của những vật ấy. Đó không phải là những vật thông thường, đó là những vẻ đẹp. Và bên cạnh một bữa tiệc với những món ăn tinh tế của một gia đình với những công dân chính thống của Thăng Long ngàn tuổi là một món ăn kỳ vĩ của vẻ đẹp được dâng lên. Lúc đó, một thứ ánh sáng đã dâng ngập căn phòng…


 Bài: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều



Thực hiện: depweb

30/06/2013, 17:04