Kiện tướng dancesport Khánh Thi - “Tôi thấy tội anh Huy lắm!” - Tạp chí Đẹp

Kiện tướng dancesport Khánh Thi – “Tôi thấy tội anh Huy lắm!”

Giải Trí

Xuân Huy – Khánh Thi: 
Tách từng cái tên ra, hẳn ai cũng biết, họ là ai. Vì cả hai đều là những cái tên số 1 trong mỗi lĩnh vực mà mình theo đuổi. Nhưng không nhiều người biết, họ là anh em ruột, bởi rất hiếm khi họ mang điều đó khoe trên mặt báo. 

Đọc thêm:
Nghệ sĩ violon Xuân Huy: “Chao ôi, hiểu Thi khó gì!”
Bà Phạm Thị Đông – Mẹ nghệ sĩ violon Xuân Huy và kiện tướng dancesport Khánh Thi: “Không mong các con bớt gai góc” 

“Mày ham hố chứ anh không ham hố”

– Cả chị và anh trai mình đều là những cái tên nổi bật trong lĩnh vực mà mỗi người theo đuổi. Mơ ước của hai anh em đã được nuôi lớn như thế nào?

– Anh Xuân Huy hơn tôi 10 tuổi. Bố tôi là một nhạc công, mẹ là ca sĩ của Đoàn văn công Tổng cục Chính trị, bởi thế mà từ lúc anh Huy 3–4 tuổi, bố mẹ đã cho anh học nhạc. Ký ức trong tôi về anh là hình ảnh cậu bé suốt ngày ôm đàn tập. Gia đình tôi sống trong âm nhạc. Lúc nhỏ, tôi cũng được bố cho vào Nhạc viện học các loại đàn: đàn bầu, piano, nhưng violon thì tôi không thích. Có lẽ hình ảnh anh cứ đến giờ là bị bố bắt ôm cây vĩ cầm luyện mấy tiếng đồng hồ, khiến tôi phần nào không yêu nó. Có một điều tôi rất “hả hê” là, trong khi anh ôm đàn luyện tập thì tôi lại được thỏa thuê chơi búp bê.

Khi tôi được vài tuổi, bố mẹ bàn tính chuyện cho anh đi Nga du học. Anh đi biệt từ đó. Còn tôi theo con đường nhảy múa. Chúng tôi không được gần nhau nhiều nữa. Tôi chỉ nhớ, một lần về, anh mang cho tôi chiếc dây chuyền vàng để đeo, tôi khoái lắm. Anh kể chuyện đi diễn ở Dàn nhạc Giao hưởng của công nương Diana. Thực tế, khi ấy tôi cũng chẳng hiểu về mức độ quan trọng và đáng tự hào của anh mình. Anh lên đường, tôi lại tiếp tục học. Lúc nào cũng nghe về anh là một người chơi violon rất giỏi. Sau này, anh về nước, tôi đã bắt đầu thành danh ở lĩnh vực dancesport, cũng được mời đi diễn solo ở các nước, rồi Nam tiến. Thời gian ở cạnh nhau vì thế cũng chẳng nhiều hơn.

– Với chị, anh Xuân Huy là một người thế nào?

– Anh tôi lúc nào cũng chỉ đàn. Đi đâu về đến nhà, anh lại cầm đàn lên kéo. Kể cả khi anh ấy vào Sài Gòn, về nhà tôi, anh ấy cũng chẳng thể bỏ thói quen ấy. Có lúc anh bảo tôi: “Mày ham hố chứ anh không ham hố”. Mọi người gọi anh là Huy “điên”. Tôi cũng hay trêu anh thế, mỗi lúc anh bảo tôi “ham hố”. Tôi là người còn biết suy nghĩ đến lợi nhuận, chứ anh chẳng bao giờ nghĩ về điều đó. Tôi rất thương anh ở điểm này mà không nói được. Nhưng tôi cũng hiểu, sống như anh mới là nghệ sĩ thực sự. Tôi đọc nhiều về những nghệ sĩ của Việt Nam và thế giới, thấy anh mình sao giống họ ghê. Anh sống trong thế giới âm nhạc, mà đúng là thế giới của những nốt nhạc, của những bản giao hưởng, nhiều khi như là không sống với đời.

Không bao giờ hỏi nhau “anh/em có bao nhiêu tiền?” 

– Nếu nhìn ở góc độ truyền thông, dễ thấy chị hợp với nơi ồn ào, bề nổi, còn anh chị ở nơi sâu hơn và yên tĩnh hơn…

– Tôi thấy mình không giỏi bằng anh, nhưng cơ hội và danh vọng tôi lại có hơn anh, được mọi người biết đến nhiều hơn. Tại tôi học nhảy múa, bộ môn đang thịnh hành, lại chọn sống ở Tp.HCM, nơi cơ hội nghề nghiệp nhiều hơn. Còn anh, đang sống trong một thời, ở một nơi mà nhạc cổ điển gần như không có đất sống.

Thực ra, tôi là người sống nội tâm, nhưng lại phải sống giữa ồn ào. Còn anh vốn không phải người yên tĩnh. Bên anh, thấy cuộc sống rất sinh động. Anh rất dịu dàng, nhưng là người luôn biến mọi chuyện nghiêm trọng thành tếu táo, để khiến tất cả thấy nhẹ nhàng hơn. Tôi và anh hiếm có thời gian ngồi nói chuyện lâu với nhau. Chúng tôi chỉ nói chuyện vui trong bữa cơm, rồi ai làm việc nấy. Mà chẳng riêng gì với anh. Với mẹ, tôi cũng ít nói. Hồi mười mấy tuổi, lúc đang học ở trường múa, tôi đã xin bố mẹ ra ngoài, thuê nhà ở riêng. Tôi thuê một căn cách nhà mình chỉ 10 bước chân. Nhưng tôi thích cuộc sống một mình như thế. Bây giờ, mẹ ở gần, trông trung tâm cho tôi, nhưng tôi cũng ít nói chuyện cùng mẹ. Nhìn trên báo, ai cũng nghĩ tôi là người sôi nổi, nhưng thực ra, tôi không có nhu cầu tâm sự, thậm chí không thích nói chuyện với mọi người. Tính tôi hay tự kỷ.

– Người phải chịu nhiều thị phi hơn chắc là người ở chốn ồn ào?
 
– Tôi cũng có lúc bị thị phi, nhưng thực ra, những thị phi ấy là tầm phào. Chính ra anh tôi phải chịu thị phi nhiều hơn, vì anh quá giỏi, lại “cứng đầu”. Từ “không” dứt khoát của anh gây cho anh nhiều thiệt thòi. Còn tôi, nhiều khi thỏa hiệp dễ dàng hơn anh, để tiếp tục công việc. Anh sinh ra có tài năng bẩm sinh, anh đi học luôn là học sinh xuất sắc nhất, anh chơi nhạc được mời vào dàn nhạc danh giá. Mọi thứ đến với anh như điều tất nhiên, và lẽ ra cuộc đời sẽ thế. Nhưng khi trở về, ập vào cuộc sống của anh là đầy rẫy bon chen, anh thích nghi không kịp. Anh cũng không đủ “xu thời” để vào trường dạy nhạc. Và giờ anh chọn làm đàn để có thể sống với đam mê.

– Nhìn vào cuộc sống của anh trai, chị nghĩ gì về con đường mình đang đi, cách mình đang sống?

– Từ bé anh đã được mời đi diễn ở Nhà hát Lớn. Nhưng lạ là, nhìn anh được tung hô, nhìn anh đầy say mê với cây violon, song tôi lại chưa từng ước mơ trở thành cô bé kéo đàn giống anh. Vì thế, tôi và anh cứ đi độc lập bên nhau. Tôi chưa bao giờ mơ về vị trí số 1, nhưng rồi cuộc đời vẫn đẩy đưa mình đến với nó. Còn anh, tôi biết anh cũng không mơ, nhưng anh xứng đáng với vị trí đó, song hình như cuộc đời cứ đẩy anh ra xa mãi. Anh chỉ ước mơ được cống hiến hết mình.

Cuộc sống anh đang sống, nó có sự ổn định, nhưng không bao giờ giàu có. Và hình như anh cũng không ước vọng. Nhưng là em gái, tôi thấy tội anh lắm. Nhìn anh nâng niu từng thớ gỗ, gọt giũa chúng, làm thành cây đàn, tiếng đàn đánh lên, người hiểu sẽ thấy nó thậm chí còn hay hơn gấp nhiều lần một cây đàn người ta mua mấy chục ngàn euro. Nhưng đàn anh bán chỉ vài ngàn euro. Anh có đôi tai thẩm âm rất tốt, lại rất đam mê. Có khi anh lên rừng chỉ để mua một mẩu gỗ về làm đầu mấu của cây đàn. Rồi anh lấy về ngâm, kỳ cọ. Rất kỳ công. Tôi hay trêu anh “khùng” là vì thế. Đấy, hai anh em tôi chỉ nói với nhau những điều như vậy. Chúng tôi không bao giờ hỏi nhau: “Anh có bao nhiêu tiền?/ Em có bao nhiêu tiền?”. Chúng tôi không nhắc về nhau trên mặt báo, vì tôi và anh đi hai con đường khác nhau. Chưa kể, chúng tôi đều tự tin với con đường của mình.

Đều là một kiểu “ngỗ ngược”

– Không có điểm chung nào sao?

– Có chứ! Cả hai anh em tôi cùng hoạt động nghệ thuật một cách chân chính, đều bằng khả năng thực sự mà thành danh. Chúng tôi không cần nhờ vào một thế lực hay bệ đỡ nào để khẳng định mình. Điểm chung lớn nhất là, cả anh và tôi đều đam mê nghệ thuật điên cuồng, theo cách của mình. Tôi và anh, từ thời còn đi học đã giống nhau ở cái tính “ngỗ ngược”. Tôi đi học mà thấy thầy cô dạy dở sẽ bỏ, không lên lớp. Còn mẹ kể, anh đi học đàn, thấy thầy kéo không hay, cũng không học nữa. Vì vậy, khi sang nước ngoài, không hài lòng về trường học, anh lại chuyển trường.

Khi về nước, không chịu được cơ chế của các dàn nhạc, anh xin nghỉ, tự tìm cách sống với âm nhạc theo cách riêng của mình. Cũng giống tôi, đến bây giờ vẫn là một huấn luyện viên đi làm thuê nhưng mới đây, thấy chế độ không thỏa đáng, tôi cũng đã xin nghỉ, và bỗng dưng trở thành người tay không. Đến cả bảo hiểm xã hội tôi cũng phải tự đi mua.

– Món quà dịu dàng nhất mà chị nhận được từ anh mình là gì?

– Anh ấy chẳng bao giờ nói ra việc gì đã làm cho em. Anh chỉ đi giải quyết ngầm, tự gặp gỡ người này người kia để giúp tháo gỡ. Anh nghĩ anh làm được và tự làm. Trong cuộc sống bình thường của tôi không có bóng dáng anh. Anh chỉ xuất hiện khi tôi có chuyện. Và tôi cho rằng, đó mới là một người anh trai đúng nghĩa mà tôi cần. Anh luôn cố gắng tìm cách để tôi được gặp gỡ với những người anh cho là giỏi giang, có khả năng. Còn tôi thì không được như thế, tôi sống cho mình nhiều hơn anh. Nếu có can dự đến anh, tôi phá đám anh nhiều hơn là giúp đỡ.

“Anh tôi mới là người chịu thị phi nhiều hơn vì anh quá giỏi, nhưng lại ‘cứng đầu’. Còn tôi, nhiều khi thỏa hiệp dễ dàng hơn anh…”
Anh nấu ăn rất ngon, đặc biệt các món Tây. Anh cũng nấu những món Tết cực đỉnh. Anh mà hầm cá như mấy món cá hộp, các nhãn hàng phải chào thua. Anh luôn nấu cho tôi ăn mỗi lần tôi về Hà Nội. Khi anh gọi: “Em ơi về ăn cơm nhé”, tôi biết chắc bữa ăn đó do anh chuẩn bị. Anh thích thế. Dù anh không nói nhưng tôi cảm nhận được anh quan tâm đến mình theo cách riêng. Chẳng bù, tôi nấu ăn cực tệ. Tôi chẳng biết gì về nội trợ.

– Chị có biết, anh Xuân Huy nói về chị thế nào không: “Khánh Thi xứng đáng được đúc tượng đồng, bởi cô ấy là người đưa dancesport về Việt Nam và chuẩn mực nó trong cộng đồng”?

– Đúng là tôi và Chí Anh đã đưa bộ môn này về Việt Nam, chúng tôi mở những câu lạc bộ dạy khiêu vũ một cách chuẩn mực nhất. Lúc đó, không có cặp đôi nào để thi cùng hạng, phải đào tạo để có người dự thi cùng. Những học trò lứa đầu bây giờ đều là những người có tiếng. Tôi vốn không quen nghe xưng tụng, nên nghe những lời này cũng thấy bối rối (cười). Khi ra đời, tôi thấy cuộc sống dễ bị vùi dập hơn. Cho đến giờ, tôi tuy là người có chút công, nhưng thấy mình chẳng có sự ghi nhận nào về phía nhà nước cả. Nhiều cuộc thi, chỉ cần thái độ không đúng mực, họ còn không cho mình chấm. Tôi nghĩ, nếu mà bất mãn, mình sẽ chẳng làm được gì. Thôi thì, bỏ đó và đi. May mắn, tôi thành công ở hướng đi riêng. Tôi có một trung tâm đào tạo về nhảy múa mang tên mình và nó đang mỗi ngày một lớn.

– Theo chị, sự thỏa hiệp hay cực đoan là thứ mang đến thành công?

– Trong cuộc sống, tôi dễ tính, nhưng bước vào công việc, tôi là người độc tài. Làm giáo dục, nếu không khắc nghiệt, không thể có được học trò giỏi. Vì chắc chắn rằng, chẳng có nhân tài nào sinh ra trong một môi trường sung sướng cả. Anh không đổ mồ hôi thì làm sao có được vinh quang. Tôi đã mất cả tuổi thanh xuân để theo đuổi nghề nghiệp của mình. Tôi cũng mất nhiều thứ về tình cảm chỉ vì theo đuổi giấc mơ này. Những thứ đó đáng giá chứ, nó chắc chắn đắt gấp nhiều lần việc mất một cái xe bạc tỉ. Nó là thứ chẳng bao giờ tôi có thể cày cuốc mà có lại.

– Sự hi sinh đó, đến lúc này nhìn lại, chị thấy có đáng?

– Dù bầm dập nhiều trên con đường này, nhưng tôi vẫn thấy nghệ thuật rất tuyệt vời. Nếu không có nhu cầu gì quá cao sang, thì vui đấy chứ! Nếu có chút khả năng thì cũng có thể sống được mà. Nên tôi vẫn nghĩ, nếu tôi có con, nó sẽ không có lý do gì phải đi học cái khác, tôi sẽ cho con học nhảy. Trừ khi nó không có năng khiếu và muốn đi theo con đường khác.

– Một cô gái như chị, đàn ông phải thế nào mới phù hợp nhỉ?

– Càng con nít càng tốt. Chắc là thế đó!

1982
Sinh năm 1982, Khánh Thi bắt đầu học múa từ năm lên 7.

2000
Năm 18 tuổi (2000), Khánh Thi bất ngỡ rẽ ngang sang dancesport. Khánh Thi cùng với bạn nhảy Chí Anh lên đường đi du học về bộ môn này. Họ về nước và trở thành cặp đôi vàng của dancesport đỉnh cao Việt Nam.

2009
Năm 2009, sau khi chia tay Chí Anh, Khánh Thi vào Tp.HCM lập nghiệp, và kết hợp với bạn nhảy mới – Phan Hiển. Cả hai tiếp tục đạt được thành tích giành 2 HCV vô địch Châu Á.

2015
Hiện nay, bên cạnh vai trò là một kiện tướng hàng đầu, một huấn luyện viên quốc gia, một giám khảo có tiếng trong chương trình Bước nhảy Hoàn vũ, Khánh Thi còn sở hữu trung tâm dạy khiêu vũ mang tên mình tại Tp.HCM.

 Tổ chức: Thục Khôi – Hellos.

Nhiếp ảnh: Phục Nguyễn – Thai Pham

Trang điểm: Minh Lộc – Đạt Hí

Stylist: Johnny Mạch – Thành Đào

Trang phục: Lam, Valenciani
logo 

Thực hiện: depweb

09/02/2015, 00:32