Họa sĩ Lê Thiết Cương: Hy vọng sự cộng hưởng sáng tạo - Tạp chí Đẹp

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Hy vọng sự cộng hưởng sáng tạo

Giải Trí

– Khi triển lãm Davines Art Series lần thứ nhất khai mạc năm ngoái, anh có nói, “Công chúng sẽ có cách tiếp cận nào đó với nghệ thuật mà chưa chắc những người có chuyên môn có thể có được.” Xin hỏi, trong và sau triển lãm, anh có quan sát và ghi nhận được phản ứng, cảm xúc của người xem không? Hiệu quả có được như anh mong đợi?

– Nghệ thuật nào mà chẳng khởi hành từ cái ga đời, tuồng chèo cải lương hay thơ phú, múa, vẽ, ba – lê, giao hưởng… đều là cách để người ta kể chuyện đời thôi. Rồi thì sau khi “kể xong” chẳng ai lại đóng hòm cất đi cả mà đều mang nó trở lại với đời sống, với công chúng.

Cái khác là ở chỗ Davines Art Series không mang tác phẩm vào những không gian chuyên biệt để trưng bày như bảo tàng, phòng triển lãm hoặc gallery mà mang ra “chợ”. Qua một lần thì chưa thể nói được gì nhiều nhưng rõ ràng đó là cách phá bỏ rào cản vô hình giữa người xem và nghệ thuật. Còn những người mà tôi gặp ở triển lãm thì phần lớn đều thích thú, tự họ sẽ nhận ra rằng làm gì có ranh giới nào giữa nghệ thuật và đời sống. Ấy là chưa nói đến, nghệ thuật có cao siêu đến mấy cũng không bao giờ là độc quyền của một tầng lớp nào đó.

Hoa sĩ Lê Thiết Cương

– Muốn cảm nhận thì người ta phải cởi bỏ định kiến. Nhưng dường như định kiến của công chúng đối với nghệ thuật đương đại vẫn còn nặng nề lắm. Anh có nghĩ vậy không? Anh có mong góp phần gỡ bỏ nó qua hoạt động định kỳ của Davines Art Series?

– Đúng! Bàn tay bạn cứ nắm chặt không chịu xòe ra thì dù có một cục vàng rơi xuống cũng không đến tay bạn được. Muốn thưởng thức nghệ thuật cũng cần phải học. Bao năm chiến tranh, rồi hậu chiến đói nghèo và mấy chục năm mở cửa mải mê kiếm tiền, chẳng ai quan tâm đến giáo dục nghệ thuật và cũng mấy ai tự trang bị kiến thức để thưởng thức nghệ thuật. Hy vọng với tiêu chí đưa nghệ thuật đến gần với công chúng qua cách trưng bày ở các không gian công cộng của Davines Art Series, người xem sẽ có thêm một cơ hội thưởng thức nghệ thuật và dần tự trút bỏ định kiến sai lầm rằng nghệ thuật là điều gì đó quá xa vời.

– Ngoài là một họa sĩ nổi tiếng, anh còn được biết tới với vai trò Mạnh Thường Quân cho các nghệ sĩ trẻ. Anh thấy ở họ những ưu và nhược điểm chung mang tính thế hệ như thế nào?

– Ưu điểm của những nghệ sĩ trẻ là sự liều lĩnh, thích phiêu lưu, luôn khát khao đi tìm cái mới, cái khác biệt, dám thể nghiệm. Nhược điểm chung là họ ít đọc, ít nghe, ít xem, tức là ít tự học, tự nâng cao cái “phông” văn hóa của mình. Trong khi muốn đi xa thì phải có tri thức. Đến một mức nào đó thì chẳng ai hát bằng cổ họng, chẳng ai vẽ, nặn bằng tay nữa.

– Việc chọn nghệ sĩ/tác phẩm tham gia triển lãm được thực hiện theo tiêu chí nào?

– Những tác phẩm mà tôi chọn tham gia Davines Art Series là của các tác giả trẻ, họ có thể chưa hoàn toàn riêng biệt nhưng dứt khoát phải có mầm mống của sự tìm lối đi riêng cho mình.

– Năm nay, công chúng nên đón đợi ai/điều gì trong Davines Art Series?

– Những nghệ sỹ gốm tham gia triển lãm Davines Art Series lần này đều có danh, họ đã có những triển lãm riêng trước đây nhưng khi bày chung với nhau trong một không gian, tôi hy vọng cá tính sáng tạo của họ cộng hưởng với nhau sẽ tạo ra một hiệu quả thẩm mỹ khác lạ cho người thưởng ngoạn. Thêm một điểm nữa, người xem sẽ thấy trên cái nền của gốm truyền thống, các nghệ sỹ đã làm mới thế nào, sáng tạo thế nào. Lê Quốc Việt làm gốm sắp đặt, Nguyễn Quang Thu làm điêu khắc trên nền gốm Hương Canh, Nguyễn Khắc Quân làm điêu khắc trên nền gốm Bát Tràng và Phù Lãng, Nguyễn Tuấn làm điêu khắc trên nền gốm Phù Lãng, Nguyễn Việt tìm lại với men ngọc đời Lý đã thất truyền, Phạm Anh Đạo sẽ biểu diễn một kỹ thuật đặc thù của gốm Bát Tràng là vuốt tay để tạo hình sản phẩm…

– Mới đây, anh cũng khởi động dự án video art “Về một…” với nhân vật chính là ca sĩ Văn Mai Hương, âm nhạc của ca khúc “Giấc mơ thức tỉnh” (sáng tác Dũng LA). Nó nằm trong chuỗi hoạt động “giúp người trẻ tìm đường” quen thuộc, hay lần này là cho con đường của chính anh?

– Trong cái này có cái kia, tuy 1 mà 2, có phải điều gì cũng tính toán sẵn được đâu.

– Tôi băn khoăn không biết làm thế nào một video art lại phát hành theo các kênh quen thuộc của music video, và lại yêu cầu “người ta không được phép hiểu nó là music video” (như lời anh nói trong buổi họp báo)?

– Video art thì cũng là một dạng nghệ thuật bằng hình ảnh động thôi, nhưng khác ở chỗ nó không theo đuôi minh họa cho bài hát như MV. Nó cần người xem cảm hơn là hiểu. Nếu dùng cảm quan của người quen xem MV đi xem video art thì sẽ phí thời gian. Thế thôi.

– “Nỗi cô đơn” trong “Về một…”, tất nhiên cuối cùng là của người xem, nhưng trước hết, nó là nỗi cô đơn của Văn-Mai-Hương, của Dũng-LA, hay của Lê-Thiết-Cương?

– Tôi nghĩ nghệ thuật là thế này: Thông qua câu chuyện của cá nhân mình, của chính mình nhưng phải đụng chạm được đến cái chung, cái toàn thể. Diễn đạt một cách khác là: càng cá nhân, càng riêng biệt, khác biệt, càng một, càng cô đơn bao nhiêu thì càng đến được với số đông bấy nhiêu.

– Anh giúp Văn Mai Hương cảm nhận và thể hiện nỗi cô đơn như thế nào?

– Tôi chỉ bảo rằng cô ấy hãy là mình, hãy làm mình, hãy hát bằng được-mất, bằng hạnh phúc-bất hạnh của mình, hãy trở về với mình. Có lẽ khi đó cô đơn trong đời sống sẽ trở thành nghệ thuật.

Bài: V.T
Ảnh: Patrick Carpenter

logo 

Davines Art Series được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 2.10.2013 tại Royal City, Hà Nội. Đây là hoạt động nằm trong mạch nguồn của nghệ thuật và thời trang – bản sắc của thương hiệu Davines.

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

31/03/2014, 13:20