Đừng biến truyền thông thành "cỗ máy hủy diệt" - Tạp chí Đẹp

Đừng biến truyền thông thành “cỗ máy hủy diệt”

Sao

Truyền thông: 

– Nghệ sỹ muốn được nổi tiếng một phần cũng do chúng tôi đưa tin. Sao khi chúng tôi đăng tin tốt thì không cảm ơn? Chúng tôi đăng tin về đời tư nghệ sỹ cũng là chuyện khán giả quan tâm thôi, sao lại phản ứng?  

Nghệ sĩ: 

– Đồng ý! Nhưng có một sự thật ta nên nhìn nhận là: quan hệ giữa truyền thông và nghệ sỹ là mối quan hệ cộng sinh. Chúng ta cho nhau cái đối phương đang cần. Một bên cần thông tin, một bên cần được đưa tin, cả hai đều có lợi. Rất công bằng. Các bạn viết gì mà chẳng được, dù đó là bài khen hay chê cũng được, miễn sao không viết sai sự thật hoặc nói tránh nói giảm, cũng như xuyên tạc, vạch lá tìm sâu. Tại sao cứ phải soi mói đời tư người khác? Khán giả đúng là có quan tâm đến điều đó. Nhưng bình thường họ quan tâm đến hoạt động nghệ thuật của chúng tôi nhiều hơn. Họ vẫn sẽ không nhớ để quan tâm đến đời tư của nghệ sỹ cho đến khi được các anh chị “nhắc” và “bày ra” trước mắt. Chúng tôi đã cống hiến cả đời lao động nghệ thuật cho công chúng rồi, chỉ còn một chút gọi là “đời tư” thì chúng tôi muốn giữ cho riêng mình. Anh chị cũng vậy thôi, đâu ai muốn đời tư của mình bị phơi bày, bị đem ra bình luận một cách ác ý, phải không ạ?

Trấn Thành đời tư bị soi mói

Chúng tôi đã cống hiến cả đời lao động nghệ thuật cho công chúng rồi, chỉ còn một chút gọi là “đời tư” thì chúng tôi muốn giữ cho riêng mình.

Truyền thông: 

– So với hoạt động nghệ thuật, tin về đời tư “hot” hơn. Nghệ sỹ sinh ra là đã để cho mọi người bình bàn, đã dám làm nghề này thì phải chịu chứ. Nếu bạn là phóng viên, khi biết được một tin “hot” của nghệ sỹ, bạn có muốn đăng không? 

Nghệ sỹ: 

– Dĩ nhiên, tôi có muốn đăng. Nhưng tôi vẫn sẽ chưa đăng cho đến khi… “lương tâm” tôi cho phép. Bố mẹ vẫn thường dạy con, trước khi vào phòng người khác phải… GÕ CỬA. 

Bạn thử đặt mình vào vị trí của người bị hại đi. Tâm trạng bạn sẽ thế nào khi sau một đêm thức dậy, bạn trở thành một cuốn truyện hay một cuốn phim cho người khác bàn tán, miệt thị, soi mói, nặng lời?

Có những người mạnh mẽ, họ tìm cách đối diện, vượt qua nó. Những người yếu hơn, họ sẽ kiệt quệ, suy sụp, nặng hơn có thể trầm cảm, mất niềm tin vào cuộc sống thậm chí tệ nhất là “tự vẫn”.
Làm thế để biết sự can thiệp của mình có được “cho phép” hay làm ảnh hưởng đến người đó hay không. Vậy nên chăng, phóng viên trước khi đăng một bài báo nói về đời sống riêng tư của nghệ sĩ, hãy suy nghĩ xem điều đó có làm ảnh hưởng nặng nề đến danh dự, sự nghiệp, cuộc sống và thế giới nội tâm của họ hay không. Có những thông tin đủ sức công phá cả toà cao ốc sừng sững mà người ta phải bỏ ra hơn nửa đời người để xây. Có tàn nhẫn lắm không khi chúng ta phá hỏng công trình cả đời người ta chỉ vì… một chút tư lợi! 
Hoặc để bảo vệ quyền lợi cho hai bên, chúng ta vẫn có thể có một cuộc trao đổi mà. Đừng trách khán giả sao lại quan tâm đến đời tư của nghệ sỹ ngày càng nhiều khi các bạn đang hướng họ như vậy. Mở báo ra là thấy toàn tin như thế, riết họ đọc như một thói quen, rồi nó sẽ thành khoái cảm. Mà khi ta hình thành cho độc giả khoái cảm soi mói người khác thì nó thật nguy hiểm!

 
Trấn Thành lên tiếng chuyện đời tư bị soi mói
Hãy trả lại mối quan hệ đúng đắn giữa truyền thông và nghệ sĩ: Đó là tương trợ lẫn nhau, một quan hệ cộng sinh có tính nhân văn.

Truyền thông:   

– Không muốn người ta biết, trừ khi đừng có làm. Có làm chuyện xấu, chuyện sai thì nên nhận. Bạn có thấy mình hèn khi không dám đối diện với sự thật?
 

Nghệ sĩ:        

– Lấy gì đảm bảo đó là tốt hay xấu? Lấy gì chứng minh chúng tôi không thừa nhận sự thật về mình? Nhưng chúng tôi chấp nhận và thừa nhận điều đó trong cộng đồng được chúng tôi khoanh vùng, là những quần thể liên quan đến chúng tôi. Chúng tôi đâu có nhu cầu mang chuyện riêng tư của mình ra giữa chợ mà trưng bày. Chuyện phòng the, ai cũng đã từng. Tôi từng, bạn từng, mọi người từng. Nhưng chuyện tôi, tôi biết. Chuyện bạn, bạn biết, và những người liên quan đến bạn biết. Nó sẽ chẳng có gì là xấu và ghê gớm cho đến khi có kẻ tung những điều đó ra cho mọi người cùng biết. Bạn thử đặt mình vào vị trí của người bị hại đi. Tâm trạng bạn sẽ thế nào khi sau một đêm thức dậy, bạn trở thành một cuốn truyện hay một cuốn phim cho người khác bàn tán, miệt thị, soi mói, nặng lời? Có những người mạnh mẽ, họ tìm cách đối diện, vượt qua nó. Những người yếu hơn, họ sẽ kiệt quệ, suy sụp, nặng hơn có thể trầm cảm, mất niềm tin vào cuộc sống thậm chí tệ nhất là “tự vẫn”. Sẽ không ai nghĩ là chỉ vì những oanh tạc ác ý (ngay cả vô tình) từ ngòi bút của mình mà có thể triệt tiêu một con người nặng như thế nào đâu. Và hậu quả nghiêm trọng của nó một phần đã thể hiện rất rõ trong bộ phim “Scandal” của đạo diễn Victor Vũ. 

Hy vọng trước khi mỗi một bài được đăng, chúng ta hãy dừng lại một chút, dù chỉ là một khắc, để cái gọi là tri thức, lương tâm, nhân tính, đạo đức nghề nghiệp lên tiếng nhắc nhở mình: có nên hay không? Hãy dừng lại trước khi ta gây ra những hậu quả thương tâm!

    

Trong một thế giới văn minh, người ta luôn cố gắng giải quyết mọi khúc mắc bằng giải pháp hòa bình. Qua mọi chuyện, tôi vẫn tin rằng, những khó chịu vừa qua chỉ là chuyện “con sâu làm rầu nồi canh”. Vì nghệ sỹ vẫn rất cần truyền thông, đó là chân lý. Và theo tôi:  “Không có nghề xấu, chỉ có người xấu”.

Làm nghệ sỹ, chúng tôi luôn tìm kiếm cho mình những tác phẩm để đời, hướng đến đỉnh cao của nghề nghiệp, để được trở thành một nghệ sỹ lớn. Và truyền thông cũng vậy, không nên vấy bẩn cái nghề của chính mình và những nhà báo làm nghề chân chính khác bằng những thủ thuật mang danh tác nghiệp xuất phát từ sự ích kỷ và mưu cầu tư lợi đi ngược đạo đức. Hãy nghĩ đến một ngày bạn sẽ nối bước những nhà báo lớn chân chính như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Trương Vĩnh Ký…  

Hãy trả lại mối quan hệ đúng đắn giữa truyền thông và nghệ sĩ: Đó là tương trợ lẫn nhau, một quan hệ cộng sinh có tính nhân văn. Hãy để khán giả và nghệ sỹ tìm đến với truyền thông như một người bạn thân đáng tin cậy. Đừng biến nó thành một cỗ máy huỷ diệt…

Tác giả “Thi nhân Việt Nam” từng nói: “Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Bạn có nghĩ, thời facebook, “trong mỗi chúng ta (cũng) đều có một… nhà báo”, một nhà “phản biện xã hội”? Nữa là, với một “người của công chúng”, mà ảnh hưởng của họ, trong mỗi phản biện, phát ngôn, nhiều khi còn có sức “công phá” hơn một bài báo “chính hiệu”?

Đẹp xin mời bạn đến với “SAO LÀM BÁO”, để được nhìn thấy những “nhà báo” trong mỗi “ngôi sao”, đồng thời xin mời những người của công chúng nói lên tiếng nói của mình, bằng trách nhiệm công dân của một người nghệ sỹ, trước những vấn đề không – của – riêng – ai.

    

 MC Trấn Thành
logo

Cùng một chủ đề về đời tư của nghệ sĩ bị truyền thông và dư luận soi mói, mời độc giả đọc thêm bài viết của các “nhà báo” – nghệ sĩ:

“Nhà báo” – Siêu mẫu Xuân Lan:
Báo chí và Nghệ sỹ: Giới hạn nào cho chúng ta?

“Nhà báo” – Người mẫu Kim Cương

Vaccine tốt nhất cho scandal

Có thể bạn quan tâm:

“Nhà vô địch” Trấn Thành: “Tôi là hộp bút chì màu”

“Đa số mọi người nghĩ tôi hời hợt. Tôi chọn cách sống đơn giản hóa mọi việc cho cuộc sống này đỡ phức tạp, đỡ căng thẳng vì bản chất cuộc sống đã quá rối ren rồi. Thực ra tôi sống rất nội tâm. Tôi sợ làm người khác buồn, nhất là những người thương mình. Tôi sợ chạm vào nỗi đau của người khác nên thường mong hai chữ bình an trong cuộc sống”.



Thực hiện: depweb

18/05/2014, 19:27