Chuyện tình cây cổ thụ - Tạp chí Đẹp

Chuyện tình cây cổ thụ

Sao
Nhận được tin như sét đánh ngang tai.

Hắn đã không còn nữa…

Thẫn thờ.

Hắn ở cạnh nhà mình. Lúc đó mình còn là một con bé ngổ ngáo, tóc xoăn chấm vai mặc áo ba lỗ, quần túi hộp, dép Doctor (cầm chọi ai một phát chắc sặc máu mũi). Mỗi ngày vác cặp đi học tiếng Anh, hắn lại dõi theo mình. Mỗi lần mình ôm laptop sang quán cafe Terrace, hắn cũng lại dõi theo mình. Xỏ giày vào chạy bộ, hắn cũng lại ngó theo. Có khi mình chạy ngang, hắn ngay bên cạnh, nhưng mình đã vô tâm đến mức không hề nhận ra.

Gần một giờ sáng, mình ra ban công ngồi học bài, nghe thấy tiếng nhạc vang vang từ Caravell hay Nhà hát Thành phố. Hắn không ngủ. Có lẽ hắn cũng thích nghe những âm điệu đó giống mình.


Hoàng My cây cổ thụ Sài Gòn
Hoàng My khi còn là sinh viên 

Ngày qua ngày…

Mình lớn lên,

Hắn già đi một chút.

Mình hẹn hò với một Kính Cận nọ, hắn đứng sát bên. Mình với Kính Cận chẳng đâu tới đâu, còn hắn thì cứ mãi âm thầm, lặng lẽ…

Mình chuyển nhà. 

Khi khu Eden Mall đập đi xây lại thành Vincom, mình đã xót xa mãi trong hoài niệm. Âm thanh đó, mùi hương đó, cảm giác đó đã nuôi lớn tâm hồn mình. Đó là nơi mình đã đặt những câu hỏi lớn nhất về cuộc đời: Tại sao mình lại được sinh ra? Thượng Đế có thật không và Người là ai? Tại sao trên trái đất này có nhiều tôn giáo quá vậy? Sao người ta ở dưới kia sống được lâu thế, bao nhiêu người trong số họ tìm ra ý nghĩa cuộc đời mình? Thật ra mình muốn gì? MÌNH LÀ AI?

Và đó cũng là nơi mình lần ra dấu vết cho câu trả lời.

Mà giờ nơi đó chỉ còn thuộc về ký ức…

Hoàng My cây cổ thụ Sài Gòn
Ký ức cùng những cây cổ thụ ở gần nhà

Rùng mình với sự thay đổi. Khi mất đi mới là khi biết mình đã có. Khi trong lồng ngực đã quá sức chịu đựng cho một sự mất mát, mình học cách chấp nhận, và học thêm một bài học lớn hơn: cần biết trân trọng những gì mình đang có. Kể từ đó, mình có thói quen ngồi ngay ô cửa cafe Caravell, nhìn ra Nhà hát thành phố, Continental và toà Vincom để được sống với hồi tưởng, để khắc lại trong tâm trí góc cafe yêu thích, để dù cuộc sống có mang mình đến bất cứ nơi đâu, mình cũng sẽ có một nơi để thuộc về…

Hắn vẫn ở đó, chung tình…

Trong một chiều mưa tầm tã, nơi góc cafe thân quen, gạt đi đôi mắt ướt nhoè khi chia tay với Mũi Bự, mình chợt trông thấy hắn, run rẩy, ướt sũng dưới mưa.

Mưa tạnh.

Hắn đẹp. Nếu không nói là thật đẹp. Có hắn, bức tranh trước mắt mình trở nên hoàn hảo.

“Anh bạn, thấy hết bao nhiêu tật xấu và những khoảnh khắc xì-cúc của tôi rồi?” – Mình hỏi hắn.
Và thế, cứ mỗi lần về nước, mình lại đến đó để ngắm nhìn góc phố đó, và thăm hắn.

Hoàng My cây cổ thụ Sài Gòn
Kể từ đó, mình có thói quen ngồi ngay ô cửa cafe Caravell, nhìn ra nhà hát thành phố, Continental, và toà Vincom, để được sống với hồi tưởng, và để khắc lại trong tâm trí góc cafe yêu thích…

Nhận được tin như sét đánh ngang tai.
“Người ta đã chặt hàng cây cổ thụ đi để xây khu tàu điện Metro”. Nghe hung tin, tái tê, sững sờ, tiếc nuối…
Chưa chấp nhận được sự thật là hắn đã chết rồi, là hàng cây cổ thụ đã không còn nữa.
Đau.

Mất hắn,

Mất đi bóng của hắn,

Mất đi mùi hương của hắn,

Mất đi người bạn thuỷ chung,

Mất đi một mảnh kỷ niệm,

Mất đi một phần “nơi mà ta thuộc về”,

Mới nhận ra đã yêu hắn thế nào.

Một lần nữa phải học cách chấp nhận nỗi đau cho một sự thay đổi…

 
 

Á hậu Vũ Hoàng My
Ảnh: Nhân vật cung cấp
logo

Tác giả “Thi nhân Việt Nam” từng nói: “Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Bạn có nghĩ, thời facebook, “trong mỗi chúng ta (cũng) đều có một… nhà báo”, một nhà “phản biện xã hội”? Nữa là, với một “người của công chúng”, mà ảnh hưởng của họ, trong mỗi phản biện, phát ngôn, nhiều khi còn có sức “công phá” hơn một bài báo “chính hiệu”?

Đẹp xin mời bạn đến với “SAO LÀM BÁO”, để được nhìn thấy những “nhà báo” trong mỗi “ngôi sao”, đồng thời xin mời những người của công chúng nói lên tiếng nói của mình, bằng trách nhiệm công dâncủa một người nghệ sỹ, trước những vấn đề không – của – riêng – ai


>>Cùng tác giả: Á hậu Vũ Hoàng My: Nói tiếng Anh gì nghe dở tệ!



Thực hiện: depweb

30/07/2014, 17:52