Câu chuyện sinh tử của hai anh em đam mê nghề xiếc - Tạp chí Đẹp

Câu chuyện sinh tử của hai anh em đam mê nghề xiếc

Giải Trí

Từ cơ đến nghiệp

Họ là Giang Quốc Cơ (sinh năm 1984) và Giang Quốc Nghiệp (1989), là hai trong số những người trẻ tuổi nhất được phong danh hiệu nghệ sĩ ưu tú (NSƯT). Riêng kỷ lục 26 tuổi đã là NSƯT của Quốc Nghiệp có lẽ sẽ là một cột mốc mà rất lâu nữa mới có người khác vượt qua.

Thế nhưng người ta không nói về hai anh như những nghệ sĩ đơn lẻ. Đấy là một bộ đôi (double team) đúng nghĩa. Đã nói đến Cơ là phải nghĩ ngay đến Nghiệp và ngược lại. Khi đặt cho hai con mình cái tên này, có lẽ bố của hai anh – ông Giang Kiếm Thanh – cũng đã dồn không ít tâm huyết.

Và Cơ, Nghiệp lớn lên trong kỳ vọng lớn của bố, vốn là một võ sư, một thầy thuốc đông y nhưng lại có niềm đam mê tuyệt vời với xiếc. Ông là một nghệ sĩ xiếc bán chuyên và vẫn luôn muốn con mình sẽ trở thành những diễn viên xiếc chuyên nghiệp, có thể đi đến cái tận cùng của nghệ thuật biểu diễn mà ông chưa có dịp chạm đến.

Cơ và Nghiệp lớn lên, theo đuổi hoài bão của cha mình, như một định mệnh. Các anh được cho đi tập nhào lộn, tập thể dục dụng cụ trước khi bước lên sân khấu. Xiếc với Cơ, Nghiệp là một con đường thẳng, không nhánh rẽ. Nếu té sẽ đứng lên, nếu thất bại sẽ làm lại, không khó khăn nào là không thể vượt qua. Thế nên ngay khi buổi biểu diễn đầu tiên đã… bể show nặng nề, họ cũng chưa bao giờ hoài nghi bản thân.

Quốc Cơ nhớ lại: “Lần đầu tiên lên sân khấu, chúng tôi chả nhớ gì cả, đến cả tiếng vỗ tay của khán giả cũng không. Chúng tôi sợ vô cùng, đã vậy còn gặp tai nạn nữa. Đấy là tiết mục cầu bật, một người sẽ nhảy xuống, tạo lực đẩy người kia bay lên ngồi rồi vào chiếc đu đang treo phía trên. Nhưng thay vì ngồi lên đu thì tôi lại… đập đầu vào đấy. Máu chảy đầm đề, phải vào bệnh viện”.

Rồi sau khởi đầu khó khăn ấy, họ lại bước lên sân khấu. “Dần dà, chúng tôi không sợ nữa, mà chỉ mong tiết mục của mình đến thật nhanh, để chúng tôi bước ra ánh đèn sân khấu và nghe thấy tiếng vỗ tay của khán giả”, Quốc Cơ nói.

Tiếng vỗ tay ấy với hai anh như một chất gây nghiện. Mấy tháng trời khổ luyện động tác mới, hồi hộp bước ra sân khấu rốt cục chỉ để nghe thấy tiếng vỗ tay ấy mà thôi. Và để những tiếng vỗ tay ấy to hơn, họ cũng dấn thân vào những động tác khó hơn, đòi hỏi quá trình tập luyện vất vả hơn. Lấy chính tiết mục được ca ngợi của hai anh là “sức mạnh đôi tay” làm ví dụ, Quốc Cơ cho biết các anh đã mất nhiều năm để tập luyện, từ chuyện giữ thăng bằng, tập thể lực cho đến việc có được sự ăn ý với nhau đến tuyệt đối mới dám bước ra sân khấu.

Việc tập luyện mỗi ngày 10 tiếng đồng hồ ấy giúp cho các anh có những múi cơ rất đẹp. Và khi những múi cơ ngày càng săn chắc, cơ thể ngày càng dẻo dai thì đấy cũng là lúc nghiệp diễn của hai anh đã chính thức bước lên đỉnh cao, với những giải thưởng và những show lưu diễn qua vài chục quốc gia trên toàn thế giới. Nghĩa là từ việc đến với xiếc theo nguyện vọng của bố, bây giờ đây thật sự đã trở thành máu thịt của hai anh em.

Quốc Cơ chia sẻ: “Bố làm bên bệnh viện Y học dân tộc, cũng có hướng cả nhà sang đó. Hai anh em đã có bằng đông y rồi đó chứ, cũng làm thử nữa. Nhưng rồi có làm được đâu. Con người bay nhảy, tập luyện, vận động đã quen rồi, ngồi một chỗ ngứa tay chịu không nổi. Tôi mới nói với em: thôi cái này để khi nào… già rồi mình hãy làm. Giờ còn trẻ, còn sung sức, cứ phải đi hết con đường dang dở đã”.

Quốc Cơ

Vào sinh ra tử

Khi buổi phỏng vấn này diễn ra, Quốc Cơ đang bước vào ngày đầu tiên của cuộc sống gia đình (mới ngày hôm trước, anh làm lễ thành hôn với nữ MC Hồng Phượng). Trong tiệc cưới, khi nghe người em trai Quốc Nghiệp chia sẻ cảm xúc, Quốc Cơ đã bật khóc. Anh nói:

“Tôi khóc vì cảm thấy những nỗ lực của bản thân, cũng như của hai anh em đã được đền đáp. Để có ngày vui trăm năm hôm ấy, chúng tôi đã trải qua biết bao hiểm nguy, ngỡ như mất mạng. Sau những lần té ngã, chúng tôi thật sự đã rất sợ, đôi chân run rẩy không còn dám bước lên sân khấu nữa. Nhưng rồi cả hai cũng phải lấy dũng khí bước qua nỗi sợ hãi ấy, rồi cả hai lại lầm lũi đi. Một tai nạn, hai tai nạn, ba tai nạn, chúng tôi đều đã cùng vượt qua cả. Để rồi khi đứng trên sân khấu đám cưới, tôi mới có dịp lắng lòng lại, nghe em trai nói và hồi tưởng lại cả một đoạn đường chông gai đã qua, cảm xúc lúc ấy rất mãnh liệt nên tôi đã không kềm được nước mắt”.

Có ba lần hai anh em đã phải đối diện với nguy hiểm có thể vong mạng. Trong đó, lần nặng nhất là ở Đài Loan. Hôm ấy, Quốc Cơ đứng dưới, biểu diễn động tác khó nhất là hai anh em đối đầu vào nhau, đầu của Quốc Cơ chịu toàn bộ sức nặng của em mình, đang chổng ngược đầu xuống đầu anh và cố giữ thăng bằng ở phía trên. Quốc Cơ càng được tán thưởng diễn càng hăng, không may khi bước lùi đã đạp hụt vào khoảng không thay vì bậc cầu thang.

Anh nhớ lại: “Hôm ấy, hai anh em ngã xuống. Khi tôi quay sang thì đã thấy Nghiệp nằm bất động rồi. Sau này tôi mới rùng mình khi nghĩ lại: cú tiếp đất bằng đầu ấy có thể khiến Nghiệp chết, hoặc bị liệt cả người. Nhưng khi ấy, trong tiếng reo hò phấn khích, tôi chỉ làm được một việc là lay Nghiệp dậy, bảo với em: “Nghiệp, Nghiệp, dậy đi, khán giả họ đang chờ kìa”. Nhưng Nghiệp không nhúc nhích gì cả. Tôi sợ vô cùng, không biết em mình đã chết chưa. Lúc này một nhóm người từ trong hậu trường mới chạy ra, đưa Nghiệp đi cấp cứu. Nhưng tôi không được đi, họ bảo tôi vẫn phải ở lại, diễn nốt những tiết mục sau vì vé đã bán, không được phép rời khỏi sân khấu. Nhưng tôi có diễn được đâu, người ta mang em mình đi đâu ngoài kia mình còn không biết, còn mình thì ở đây làm gì thế này. Tôi diễn mà đầu óc không còn để vào động tác, nước mắt thì cứ rơi”.

Đấy chỉ là khởi đầu, cho những thứ còn tồi tệ hơn sau đó. Quốc Cơ nói: “Bên bầu show họ đâu cho mình nghỉ, vì hợp đồng đã ký rồi. Họ bảo tiết mục của hai anh em là tiếc mục chủ đạo của cả một chương trình, đâu thể bỏ được. Nhưng khi tôi vào thăm Nghiệp thì cái cổ của em đã không thể nhúc nhích gì được. Em thậm chí còn không ngồi dậy được, làm sao mà diễn được. Nhưng bên đó họ ép phải làm, nếu không thì phải đền hợp đồng. Tôi đành phải hoãn binh bằng cách xin họ cho chúng tôi hai đến ba tuần hồi phục, dù thừa biết làm sao hồi phục nổi trong thời gian ngắn như vậy”.

Quốc Nghiệp

Từ đối đầu đến… đối chưởng

Nhưng trước áp lực, rốt cục Quốc Cơ đành cắn răng, nén đau thương nhìn em mình phải chích thuốc giảm đau hàng ngày, bơm thuốc để làm tê liệt từ vai lên đầu, để có thể biểu diễn tiết mục sở trường của hai anh em. Cơ cố năn nỉ em: “Anh không đi nữa, chỉ đứng một chỗ thôi, em ráng trụ 10 giây thôi, cho khán giả họ xem rồi mình xuống”. Thương anh, Quốc Nghiệp cũng cố làm, nhưng hai đầu vừa chạm nhau thì cơn đau kéo đến cơ hồ như giết chết anh lần nữa. “Lúc ấy, tôi thấy nước chảy xuống mặt mình, vừa là mồ hôi vã ra vì cơn đau, vừa là nước mắt của em”, Quốc Cơ đau xót nhớ lại. “Lúc ấy, tôi nhận ra: cuộc đời này thật dã man làm sao”.

Trên Youtube, bạn có thể tìm thấy hai đoạn clip ghi lại cảnh tai nạn nghề nghiệp tương tự như thế. Trong một clip, vì chất lượng cầu thang quá tệ, khi Quốc Cơ bước xuống thì một bậc thang gãy lìa ra, Nghiệp cũng trong tư thế trồng cây chuối ngã xuống đất. Mà đấy cũng chỉ là một… vài tai nạn tiêu biểu trong số hàng loạt những tai nạn mà hai anh em phải qua, trong đó có ngày cao điểm họ chấn thương phải đến chục lần.

Vậy mà hai anh em vẫn lầm lũi băng lên, tự đặt ra những thử thách lớn hơn. Và những thử thách ấy nhiều phen đã đặt hai anh em vào những cuộc cãi vã, thậm chí đánh nhau. Quốc Cơ nói: “Một lần kia tập động tác khó, Nghiệp lại té, may làm sau tay tôi kịp đưa ra đỡ, không thì em ấy đã mất mạng rồi. Nghiệp giận lắm, hỏi tôi: “Có cần phải tập nữa hay không? Với những gì đang có, mình diễn cả đời cũng không sợ hết chỗ mời. Tại sao cứ phải tập những tiết mục mới?”. Tôi nói với em: “Anh muốn ghi danh vào lịch sử, anh muốn làm những việc chưa ai làm, muốn tới những đỉnh cao chưa ai vươn tới, muốn đi đến tận cùng của nghệ thuật xiếc”. Rồi Nghiệp hỏi tôi: “Anh có bao giờ nghĩ đến tôi không? Những lúc tôi nằm liệt một chỗ hay ngồi xe lăn, anh có chịu được không?”.

Với tiết mục “Sức mạnh đôi tay”, hai nghệ sĩ Giang Quốc Cơ – Giang Quốc Nghiệp đã gặt hái rất nhiều giải thưởng như: Huy chương vàng cuộc thi Tài năng trẻ ba nước Đông Dương (2009), Giải vàng Liên hoan xiếc quốc tế tại Việt Nam (2010), giải Sư tử bạc tại Liên hoan xiếc quốc tế Ngô Kiều (Trung Quốc, 2011), giải Gấu bạc tại Liên hoan xiếc quốc tế ở Nga (2012), cùng nhiều giải thưởng khác ở các Liên hoan tại Cuba, Monte Carlo và Ý… Hai anh em Cơ – Nghiệp cũng vinh dự nhận danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2011. Trung tâm sách kỷ lục Guinness Việt Nam cũng xác lập kỷ lục: “Sức mạnh đôi tay là tiết mục xiếc do hai anh em ruột biểu diễn được nhiều giải quốc tế nhất”.

Câu hỏi ấy đánh động tâm can Quốc Cơ, khiến anh bỏ ý định tập thêm những động tác mới. Nhưng cũng chỉ vài tuần, cái máu chinh phục trong anh trỗi dậy, thế là anh lại đi… năn nỉ em mình tập cùng. Kết quả là Quốc Nghiệp, một người em yêu thương anh và thần tượng anh trai mình đã lầm lũi bán mạng tập theo.

Quốc Nghiệp nhớ lại: “Chúng tôi đã nhiều phen cãi nhau, thậm chí đánh nhau long trời lở đất. Trước một show diễn ở Mỹ, chúng tôi đánh nhau tanh bành trong phòng đạo cụ, rồi hai đứa cũng phải ra diễn, mặt đứa nào đứa nấy vẫn còn quạo. Nhưng diễn thì vẫn phải diễn, tập vẫn phải tập. Có ai giận được ai lâu đâu. Chúng tôi tuy hai, nhưng kỳ thực đã là một rồi. Người ta nói anh em như thể tay chân, vậy thì mình đánh vào anh mình, có khác gì mình đánh vào mình đâu. Anh mình đau, có khi mình còn đau hơn. Cứ thế, anh em chúng tôi cứ mải miết đi tiếp trên con đường mà chúng tôi đã chọn”.

 

 

“Mọi người cứ nghĩ xiếc là một nghệ thuật đã chết, cát-xê không cao nên dân trong nghề rất khổ. Thật ra không phải vậy. Tôi nghĩ nhiều người sẽ không thể tưởng tượng được cái giá mà chúng tôi đi show đâu. Và đấy là thành quả của cả một nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ, của những giải thưởng quốc tế. Với lại nhiều người có suy nghĩ sai lệch về xiếc. Họ ngồi quán nhậu, thấy người ta nuốt rắn, phun lửa, nuốt kiếm, làm mấy tiết mục đau đớn và cứ nghĩ như vậy là xiếc. Không phải đâu, xiếc làm gì đơn giản như vậy, đâu phải là “chịu đấm ăn xôi”. Xiếc rất khác, khác xa như vậy. Nó là kỹ thuật, nghệ thuật, là sức mạnh, là cả một quá trình khổ luyện. Tiết mục “sức mạnh đôi tay” mà hai em em tôi diễn có ai diễn được đâu. Người ta vì sinh kế, khi đã có vài tiết mục thì cứ thế mà biễu diễn để lo cho cuộc sống, họ không có thời gian để tập luyện những động tác khó hơn, để dấn thân sâu hơn vào nghệ thuật xiếc”.

“Cái đau trong thể xác tất nhiên là đáng sợ, nhưng cái đau trong tâm hồn còn khủng khiếp hơn. Khi thấy Nghiệp ngã xuống, gặp tai nạn, lòng tôi chỉ tràn ngập sự hối hận. Tôi cứ trách mình: trời ơi, mình chống cho em mình, sao mình lại để em mình ngã ra thế kia. Nếu đấy chỉ là bạn diễn bình thường, tôi sẽ lo, nhưng đồng thời tự trấn an đấy cũng chỉ là một tai nạn nghề nghiệp mà thôi. Nhưng đây là em mình, là ruột thịt của mình, tôi làm sao có thể nghĩ được bất kỳ thứ gì khác ngoài chuyện trách mình”.

“Thật ra không phải người ta không còn thích xiếc nữa đâu. Khi chúng tôi biểu diễn, tôi cảm thấy sự hào hứng rất lớn nơi khán giả. Họ không ngờ là người Việt Nam có thể làm được những động tác khó như thế. Nhưng số tiết mục hay của Việt Nam không nhiều. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của các sân khấu biểu diễn không tốt, dẫn đến sự hạn chế về khả năng biểu diễn của các diễn viên”.

“Có được người em trai cùng theo nghề là một lợi thế lớn. Chúng tôi sinh hoạt với nhau hàng ngày, đến phòng tập cùng nhau, đi show với nhau, sống cùng nhà. Chúng tôi hiểu ý nhau, Nghiệp còn là em trai nên rất nghe lời anh. Đấy là điều mà chúng ta không thể tìm thấy ở một bạn diễn thông thường khác. Thành ra những tiết mục của chúng tôi mang một hiệu ứng lớn hơn”.

                                                                                                                                                   Quốc Cơ

Thực hiện: depweb

04/06/2018, 10:15