Ca sĩ Tuấn Hưng: Chặt cây, “vì một thành phố xanh – sạch – đẹp”? - Tạp chí Đẹp

Ca sĩ Tuấn Hưng: Chặt cây, “vì một thành phố xanh – sạch – đẹp”?

Sao
Cũng như những người dân sống ở Thủ đô, tôi cảm thấy rất buồn trước những hàng cây vừa bị đốn ngã và sẽ còn bị đốn ngã. Không bàn ở tầm sâu xa, đây đơn giản chỉ là ý kiến của một người dân đã từng gắn bó với những cây đó.

Những hàng cây xà cừ, cây bàng… là một nét đặc trưng của Hà Nội. Phố cổ phải có cây to như vậy thì mới ra phố cổ. Hà Nội, theo tôi, khác Sài Gòn rõ nhất ở chỗ, mỗi mùa nắng mưa, chỉ cần đứng dưới những tán cây kia, đã khiến cho ta cảm thấy một không gian hoàn toàn khác.

Hàng ngàn cây xanh phải chặt bỏ là ký ức, là những điều thân thiết hàng ngày của người dân Hà Nội. Chặt cây tức là chặt đi ký ức, chặt đi tuổi thơ, tuổi trẻ của chúng tôi.

 

Trước việc hàng loạt cây xanh bị chặt, ca sĩ Ca sĩ Tuấn Hưng đã thu âm clip “Sẽ không còn cây” với nhiều cảm xúc…

Trồng một cây cảnh thôi đã khó, huống hồ là một cái cây cho bóng mát!

Rồi mai đây chưa biết thành phố sẽ được hiện đại hóa đến đâu, những cây xanh mới nào sẽ được thay thế và đến bao giờ mới có lại được những hàng cây xanh đẹp như thế trong lòng Hà Nội. Nhưng hiện tại với tôi, việc chặt đi mấy ngàn cây xanh trưởng thành kia, nghe ra thật khó chấp nhận.

Đã có nhiều lý do được viện dẫn, nào là nhiều cây già yếu, trốc rễ, có thể gây nguy hiểm khi mùa bão đến, hoặc nhẹ hơn là chắn tầm nhìn, có thể gây tai nạn… Lý do thì… khó gì! Phải mất rất nhiều năm, Hà Nội mới có được những mảng xanh hiếm hoi, quý giá ấy, vậy tại sao không tính cách cứu cây bằng những giải pháp sinh học trước đã, như cách chúng ta từng cứu thành công cây đa Tân Trào? Chặt cây chỉ nên coi là biện pháp cuối cùng, cực chẳng đã mà thôi!

Nhìn sang các nước phát triển xem, họ đang làm đủ mọi cách để người dân được sống gần với thiên nhiên nhất, thì Hà Nội chúng ta lại tự đi tước bỏ niềm hạnh phúc vốn dĩ đã nhỏ nhoi vô cùng đó, trong điều kiện đất chật người đông của Thủ đô

Những cây xanh đang bị chặt khiến người dân Hà Nội tiếc nuối

Trước giờ, tôi và người dân Thủ đô đã phải chứng kiến biết bao sự “đổi mới” đáng buồn như thế và không thể hiểu nổi, vì sao cứ phải nhất thiết thế. Như Tháp Rùa cổ kính là thế, vậy mà bỗng một ngày trở nên mới toanh. Hay vết đại bác ở bức tường thành dọc đường Phan Đình Phùng, rêu xanh phủ bóng thời gian, lưu dấu lịch sử, vậy mà bỗng dưng bị cạo hết, thay bằng màu vôi mới.

Tôi đã nhìn thấy một Hà Nội trơ trọi trong mùa hè nắng cháy như rang sắp tới, những đường phố mịt mù khói bụi, không khí nóng nực vì thiếu những mảng xanh. Tôi đang tiếc một Hà Nội êm đềm từng có trong thơ ca nhạc họa, từng là nguồn cảm hứng đi về của bao người. Hà Nội sắp mất đi màu xanh, nghệ sĩ cũng sẽ là những người thiệt thòi nhất. Sẽ lấy đâu ra cây xanh để nhìn, để thả hồn, để tưởng tượng, để mộng mơ, để viết thơ, viết văn, viết nhạc…?  

Bác Hồ từng nói: “Vì lợi ích 10 năm trồng cây…”. Chính quyền thành phố cũng luôn nhắc dân: “Vì một thành phố xanh sạch đẹp”. Vì sao, lẽ nào?

Ca sĩ Tuấn Hưng


logo

Tác giả “Thi nhân Việt Nam” từng nói: “Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Bạn có nghĩ, thời facebook, “trong mỗi chúng ta (cũng) đều có một… nhà báo”, một nhà “phản biện xã hội”? Nữa là, với một “người của công chúng”, mà ảnh hưởng của họ, trong mỗi phản biện, phát ngôn, nhiều khi còn có sức “công phá” hơn một bài báo “chính hiệu”?

Đẹp xin mời bạn đến với “SAO LÀM BÁO”, để được nhìn thấy những “nhà báo” trong mỗi “ngôi sao”, đồng thời xin mời những người của công chúng nói lên tiếng nói của mình, bằng trách nhiệm công dân của một người nghệ sỹ, trước những vấn đề không – của – riêng – ai.

Thực hiện: depweb

20/03/2015, 12:59