Vũ Ngọc Đãng: “Ghét nhất ai hỏi tôi chừng nào lấy vợ” - Tạp chí Đẹp

Vũ Ngọc Đãng: “Ghét nhất ai hỏi tôi chừng nào lấy vợ”

Sao

“Bỗng dưng muốn khóc” là một thành công của Đãng, và cũng từng là cái bóng khiến anh mất ăn, mất ngủ. Cho đến Hotboy nổi loạn ra mắt, anh mới cảm thấy nhẹ nhõm vì rõ rang Đãng không chỉ có vậy. Lần trò chuyện này Đãng không nói nhiều về phim ảnh, Đãng nói nhiều về đời tư, đặc biệt là chuyện… “kết hôn”.

 

Từng nợ như chúa chổm ấy chứ

Anh từng chia sẻ với báo giới mình học rất dở, lại làm biếng. Thế mà phim anh làm hoàn toàn ngược lại. Liệu có gì nhẫm lẫn không?

– Ngày xưa, tôi nghĩ mình không tìm được đam mê, không thấy hứng thú với việc học, không biết tương lai mình thế nào, không ai tin tưởng vào mình, bản thân mình cũng không có kỳ vọng gì. Tôi nghĩ thứ nhất do mình lười, thứ hai là do tạng người. Có những cái mình rất giỏi, nhưng cũng có cái dở vô cùng. Ví dụ, văn sử địa mình học tạm được, đọc lướt qua là nhớ. Còn toán, lý, hóa và anh văn thì thôi, học làm sao cũng không tài nào ghi vào đầu.

Kể chuyện này cũng xấu hổ, nhưng nó là sự thật. Cái thời còn học ở sân khấu điện ảnh ấy, tôi dốt tiếng Anh vô cùng, lúc thi tôi ngồi giữa bàn, quay qua người này chép một câu, người kia chép một câu. Đến nỗi nhìn không ra chữ phải buộc miệng hỏi chữ này là r hay l. Phát bài ra, họ 4-5 điểm, tôi 7 điểm. Sau này, tôi thấy mình may mắn, vì tìm được công việc mình thích. Khi đã thích, hứng thú rồi thì bao nhiêu cực nhọc, khó khăn chẳng còn vấn đề gì hết.

Thế lúc đó anh trông… thế nào?

– Tôi… ngoan. Đi học, về nhà rồi lại đi học. Tôi cảm giác không ai hiểu tôi, không có hứng thú với những trò chơi bời, không tham gia gì hết. Bây giờ cũng vậy, nếu không quay phim thì tôi viết kịch bản cả ngày, ngủ, rồi tập thể thao. Một tuần không nói chuyện với ai cũng không thấy buồn. Tất nhiên đôi lúc cũng cảm thấy tẻ nhạt, mệt mỏi chứ. Rõ ràng chính tôi cũng thích hướng ngoại hơn hướng nội, thích đến những nơi ồn ào, nhưng mình không phù hợp. Đứng giữa đám đông, tôi không thoải mái, không thích thú. Vì thế tôi hay đi café một mình, xem phim một mình hoặc thỉnh thoảng đi với một người bạn. Tôi thích nằm nhà xem phim hơn ra rạp. Nhất là ra rạp xem phim của chính mình thì tôi mắc cỡ lắm. Vì thế ai kéo được tôi ra đó, tôi ngồi xem phim gần hết là lén trốn ra ngoài.

Không có ai đủ sức đưa anh thoát khỏi trạng thái đó sao?

– Cũng có, nhưng họ đưa tôi ra được 1 tuần, 1 tháng thì tôi vẫn quay về là chính mình thôi. Như vậy lại hay, nhiều khi mình phải biết chấp nhận… được cái này mất cái kia. Và tôi nghĩ những nỗi buồn, cô đơn với tôi, người làm nghệ thuật là cần thiết. Tôi có bạn du học ở Mỹ về, lâu lắm rồi hắn vẫn chưa làm phim. Đến khi ra quán bar cùng hắn, bọn tôi ngồi trước cửa quán, chỉ nửa tiếng thôi mà có đến 50 người đến bắt tay. Lúc đó, tôi mới hiểu tại sao hắn không làm phim được. Làm nghệ sĩ, vui buồn, cô đơn, đau khổ giải tỏa hết rồi, sướng rồi thì không có nhu cầu sáng tác nữa.

Nhưng cô đơn, nỗi buồn cứ lớn dần, ngấm vào người, anh không thấy khó chịu ư?

– Cảm giác đó rất thú vị. Lúc đầu, chưa biết cách cũng phải loay hoay lắm. Thời đó, tôi luôn bị phim, kịch bản, nhân vật ám ảnh. Ăn, uống, làm gì, ở đâu lúc nào cũng chỉ nghĩ tới phim và chỉ mình tôi với mọi thứ. Còn bây giờ vô phim nhanh, thoát ra cũng nhanh. Phim xong là quên, không nhớ nữa. Về nhà là không có bất cứ cuốn phim nào của mình, tôi không có thói quen sưu tập cái cũ, chỉ khi nào cần tư liệu, băng đĩa là tôi… xuống nhà Lương Mạnh Hải mượn.

Là phim làm xong rồi không nhớ nữa?

– Nhớ chứ, nhưng tât cả là cảm xúc, không cần nhớ quá chi tiết. Ví dụ, ngày xưa đây là người mình từng quý mến, ngồi cạnh họ mình cảm thấy rất ấm áp, hạnh phúc. Hoặc tên kia đã từng khiến mình khó chịu. Tôi chỉ nhớ vậy thôi, còn họ làm mình khó chịu ra sao thì không quan tâm, không cần nhớ.

Hình như anh khá chiều chuộng bản thân bằng cảm giác phải không?

– Đúng vậy, tôi quan niêm 90% những gì mình có là do mình chọn. Tính cách quyết định số phận mà, thành ra đi đâu, làm gì, với ai cho mình cảm giác an toàn, thích thú thì mới làm, còn không là thôi. Có một điều tôi muốn thay đổi và lại không muốn thay đổi chính là cái tính bất cần. Tôi nắm lên được thì buông xuống cũng dễ dàng. Tiền bạc là cần thiết nhưng không đến mức quá quan trọng.

Công việc đó mang lại rất nhiều tiền, không vui là chắc chắn không làm, bởi làm thì kết quả sẽ không tốt mà mình lại cảm thấy mệt mỏi. Cho nên mọi người nhiều khi cũng bó tay tôi. Người ta cứ kêu tôi mua nhà chứ đợi có một cục tiền rồi mua thì biết đến khi nào, cứ mua thiếu, trả góp cũng được. Nhưng tôi không muốn vậy, tháng tháng cứ phải ra ngân hàng khó chịu lắm. Tôi muốn có tiền rồi đưa luôn, dứt nợ, cuộc sống mình vui buồn sao phải bởi người khác?

 

Vậy là anh chưa từng nợ ai, kể cả chuyện tình cảm?

– Thời sinh viên nợ như chúa Chổm ấy chứ, cứ thiếu người này 30 ngàn, người kia 50 ngàn. Mãi sau này tôi mới thở phào mình không nợ ai hết. Còn chuyện tình cảm, tôi không bao giờ cho người ta ít hơn cái mà họ cho tôi hết. Chỉ là cái người ta cho mà mình không nhận thôi. Có lẽ cũng vì vậy mà tôi đã yêu 4-5 năm và chưa bao giờ cãi nhau. Chúng tôi tôn trọng nhau. Hai người yêu nhau, mang đến cảm giác cuộc sống thú vị chứ còn mệt mỏi thì thôi cho rồi.

 

Tôi chơi bạn cứ như đọc sách, xong là gấp lại…

Một vài phim thấy anh bình tĩnh làm thường khá hay, nhưng đôi khi anh lại vội vàng quá dù vội vàng mới đúng cá tính của anh. Bây giờ, anh đang chọn điều nào cho mình?

– Chính tôi cũng thấy rằng, phim nào bình tĩnh làm là phim đó thành công. “Bỗng dưng muốn khóc”, “Hotboy nổi loạn” là 2 phim bình tĩnh nhất. Dù nó ngược tính nhưng nó hay. Hiên tại, tôi chọn hai năm có một phim cũng là vì vậy. Chứ bây giờ người ta kiếm tiền từ làm phim kinh khủng, vừa quay 2 phim cùng lúc vừa chuẩn bị thêm 1 phim mới. Tôi thấy kiếm tiền nhiều quá cũng không để làm gì. Còn trẻ, tôi vừa làm vừa hưởng thụ, đâu ai biết trước ngày mai thế nào.

Từ lúc nào mà anh lại nghĩ nhiều về những điều này?

– Tôi nghĩ do lúc nhỏ mình vất vả nhiều. Chơi thì không muốn chơi cái gì cả, buồn quá thì vào Nhà văn hóa Thanh Niên xem ảnh. Mẹ tôi già rồi, lại bị đau chân, ngày nào ra khỏi chiếc giường là thành công lắm, ba tôi 1 tuần chạy thận 3 lần. Tiền nhiều đâu làm được gì đúng không? Nên tôi lo sức khỏe lắm, ở phim trường cứ đến giờ là mọi người được nghỉ ăn cơm. Tôi cố gắng phân phối tất cả, không quá hưởng thụ cũng không để mình quá vất vả.

Khổ, vất vả và thiếu thốn ngày đó ảnh hưởng lớn đến anh vậy sao?

– Không, không. Ngày đó không khổ, chỉ là bây giờ nhìn lại ngày đó mới thấy khổ và sợ. Khổ là do người ta đã sung sướng. Còn khi đó sống chung với nó, nhìn xung quanh ai cũng như mình nên cũng thấy bình thường. Các anh chị vẫn hay nói tôi chẳng có gì trong tay cả, nhà không, xe hơi không, Những cái mọi người muốn thì tôi không cần. Tôi cảm thấy như vậy đủ và ổn rồi.

Có khi chính suy nghĩ của anh lại khiến anh bị thiếu so với người ta chăng?

– Gặp người mình thích, họ quý, họ hiểu thì không sao. Chứ không hiểu là họ cứ nói mình khùng. Như bộ phim “Chuột” lúc tôi làm khi tốt nghiệp, bạn bè trong lớp cứ thi nhau dò hỏi tôi có bị khùng không vì nghe tôi nói sẽ làm phim về chuột. Tôi cũng tự chất vấn mình, mình có bị sao không, sao toàn nghĩ những cái không như người ta, lại còn làm khác người nữa. Nhưng sau này thành công, mọi người thấy nó “độc”, tôi lại thấy mình đi đúng hướng.

Như vậy, đếm ra thì bao nhiêu người hiểu được con người của Vũ Ngọc Đãng?

– Bản thân tôi còn không hiểu được thì ai sẽ hiểu hết về tôi? Ai cũng nói làm phim với Đãng khó lắm, vì tôi khó tính, cầu toàn nhưng làm rồi thì họ chưng hửng hỏi có thấy tôi khó đâu. Đó, tôi chuyển động nhanh lắm, dễ thay đổi nên mọi người hay nói tôi dễ đổi. Thật ra, vì tôi hay suy nghĩ, có thể tôi quyết định rồi nhưng tôi cứ mãi nghĩ về quyết định đó, vậy là quyết định lại.

Người hiểu tôi ít lắm, đa phần họ chỉ hiểu một góc con người tôi thôi. Như Dũng khùng thì hiểu tôi về phim ảnh, công việc. Lương Mạnh Hải hiểu tôi về bạn bè, rồi người khác hiểu mình về gia đình. Tôi không chia sẻ hết tất tần tật với một người bởi tôi không thích kiểu suốt ngày than thở. Tôi chơi bạn cứ như đọc sách, xong là gấp lại. Tất nhiên, sách thú vị thì mình đọc lại nhiều lần. Tôi khá ít bạn cũng là vì vậy.

 

Anh có dễ khóc không?

– Có chứ. Ra đường gặp chuyện cảm động tôi không khóc. Buồn lại càng không, tôi giải quyết vấn đề nhanh lắm. Vì tôi nghĩ không có bi kịch nào không thể giải quyết được hết. Nhưng đọc báo, sách, xem phim mà xúc động là khóc. Nhất là đọc truyện Nguyễn Nhật Ánh tôi lại khóc, người ta nói tôi có vấn đề thật, truyện vui mà khóc. Nhưng tôi lại cảm một cách khác, rung động không giống ai…

Tại sao phim của Vũ Ngọc Đãng luôn có một người biến mất?

– À, tôi cũng đã để ý đến điều này. Kể cả bộ phim mới cũng có thể có cốt truyện như vậy. Thật ra, tôi bị câu chuyện của mẹ tôi cứ ám ảnh trong đầu. Ngày xưa, ông ngoại tôi bỗng dưng bỏ đi mất tích khi bà ngoại mang thai mẹ tôi được 3 tháng. Nếu ông biết bà đang có thai chắc sẽ không bỏ đi như vậy. Đến bây giờ cũng không ai biết ông đi đâu, làm gì và đã sống ra sao. Nên tôi nghĩ cuộc sống đâu phải lúc nào cũng có câu trả lời cho tất cả đâu.

Thế suy nghĩ của anh có bừa bộn quá không? Vì anh nói không giống ai mà!

– Trên phim trường tôi nguyên tắc lắm, công việc là công việc. Khi đã ngồi vào viết kịch bản là phải viết. Tôi quy định từ 8h-12h trưa là phải viết kịch bản, hôm đó không viết được thì cũng phải ngồi đó cho đến hết giờ. Suy nghĩ thì cũng bất chợt lắm, tôi luôn mang theo quyển sổ, đang ngủ giật mình tỉnh dậy vì có ý hay là ghi vào, đang chạy xe mà nảy ra ý tưởng hay cũng tấp xe vào lề lưu vào điện thoại. Nhưng nhà tôi thì bừa bộn vô cùng. Quần áo tôi treo đầy ra đó, chăn màn có khi chẳng gấp, tôi nghĩ sao mình phải làm nô lệ cho những cái đó.

Sao anh không cứ như những người khác, có khi lại thú vị hơn thì sao?

– Tôi thấy người tốt với người tốt thường làm khổ nhau. Họ cứ tưởng mang hạnh phúc, lo lắng đặt lên người kia là tốt nhưng nếu không cùng mục đích lại trở thành gánh nặng. Cho nên phim tôi chỉ toàn người tốt làm khổ người tốt chứ ít cảnh người xấu làm khổ người tốt. Nên bây giờ, nhấc điện thoại lên mà ai hỏi tôi chừng nào lấy vợ khiến tôi rất bực bội. Tôi ghét nhất ai hỏi tôi chừng nào lấy vợ, tôi chưa có nhu cầu, sao họ cứ bắt tôi phải như họ trong khi nhu cầu của tôi là khác?

Việc lấy vợ có khó với anh không? Khó yêu, khó chấp nhận chẳng hạn…

– Không. (cười lớn) Tôi thấy cuộc sống đang vui, đang hạnh phúc. Công việc có, người yêu có, những gì tôi đang mơ ước đều có. Tự nhiên thay đổi làm gì, rồi ràng buộc… lập gia đình. Tôi chưa có nhu cầu đó.

Sau Bình
(theo Mỹ thuật & Đời sống)

Thực hiện: depweb

21/08/2012, 14:54