Trọng Tấn - Người đi ngang - Tạp chí Đẹp

Trọng Tấn – Người đi ngang

Sao

Khi Trọng Tấn hát tình ca, ta được thấy quê hương. Khi anh hát nhạc quê hương, ta lại nhìn thấy những tình yêu khác hiện diện. Và đó là điều khiến ai nghe Trọng Tấn, cũng gặp những nỗi niềm thân thuộc.  

Trọng Tấn

Tôi không cố gắng đi tìm nhịp điệu không phải của mình

– Cũng thi thoảng thấy Trọng Tấn rời khỏi địa hạt nhạc đỏ để hát pop với tình ca của Phú Quang, Thanh Tùng, Dương Thụ… Nhưng chưa kịp thành dấu ấn, anh đã vội quay về nghiêm ngắn. Sở hữu quãng giọng phù hợp với tất cả các thể loại phối khí, anh có muốn nới rộng mình ra khỏi phạm vi chính ca không?

– Tôi biết mình có thể tương đối đa dạng. Nhưng khi bạn thuộc về một thể loại âm nhạc, cái cần không chỉ là giọng đâu, mà còn cần cả phong cách con người. Một cái vung tay, hay biểu cảm trên nét mặt, cũng phải phù hợp với dòng nhạc bạn hát. Phong thái của tôi không pop hóa được theo cách như mọi người vẫn hiểu. Tôi chỉ phù hợp với sự tĩnh lặng và chuẩn mực. Tôi được đào tạo chính quy bài bản, trong lối hát ấy sự yên tĩnh càng cao càng tốt. Cột hơi tĩnh, thế đứng tĩnh, mọi năng lượng chỉ để dành cho âm thanh. Nhiều năm nay, việc lặp đi lặp lại hình ảnh ấy khi biểu diễn đã trở thành phong cách của tôi mất rồi. Để lựa chọn  một biến đổi, có thể nó sẽ xảy ra khi tôi thất bại trong dòng nhạc của mình. Nhưng bây giờ, tôi đang được yêu mến, chẳng có lý do gì để rời bỏ hình ảnh đã làm nên mình và được mọi người dành tình cảm. Tôi không cố gắng và cố tình đi tìm một nhịp điệu không phải của mình. Mọi sự vay mượn đều không đem lại điều gì bền vững.

Trọng Tấn là ca sĩ gặp thiên thời địa lợi nhân hòa. Giọng ca cực đẹp, truyền cảm và nồng nàn. Khi giọng hát ấy lại cất lên những bài hát đã nằm lòng với người Việt Nam, thì nó đánh thức, nhắc người ta phải nhớ lại. Tôi không ngạc nhiên với thành công của Tấn. Tấn không hát nguyên bản giống các ca sĩ tiền bối, nhưng cậu ấy đã đánh được vào trái tim của công chúng hôm nay và quyến rũ được cả lớp người ngày xưa. Vì Tấn hát chính ca bằng hơi thở của ngày hôm nay, những bài hát cũ được cất lên qua giọng Tấn, chúng rất đương đại mà vẫn giữ được cốt cách của dòng âm nhạc ấy.
Tôi yêu sự trong sáng mộc mạc trong cách hát của Tấn. Cái mộc mạc này phải xuất phát từ con người. Tấn hát mộc mạc như cậu sống. Là giảng viên thanh nhạc giỏi, kỹ thuật thanh nhạc của Tấn rất cao, nhưng khi Tấn cất giọng hát thì ta thấy sự chân thành. Nếu Trọng Tấn chỉ ở trong nhạc đỏ là rất phí. Cậu ấy thừa điều kiện để hát cổ điển, âm nhạc đỉnh cao mà vẫn là mình. Tấn đã lên đến đỉnh của nhạc đỏ, nhưng chưa phải là đỉnh của cá nhân Trọng Tấn.”

NSƯT Tấn Minh

Anh là một trong những ca sĩ có lượng CD tiêu thụ nhiều nhất Việt Nam (không tính bản in lậu nhé). Hơn 10 album, nhưng số sản phẩm được chăm sóc kỹ lưỡng, kể cả về hình thức và phối khí, thì lại ít. Tôi cứ nghĩ, không biết có phải sự đơn giản đến tuềnh toàng ấy là vì anh thấy chỉ thế cũng bán hết đĩa, công chúng cũng đã hài lòng nên chẳng cần cố hơn?

– Có nhiều lý do lắm. Những CD đầu tiên, đúng là tôi không cẩn thận được. Nhà sản xuất họ làm cho thế nào thì tùy họ, từ in ấn đến hình ảnh. Mình không có lựa chọn, không có thông tin, cũng không có tri thức để làm tốt hơn. Một phần nữa là chính bản thân tôi cũng không thích sự cầu kỳ. Có nhiều góp ý của bạn bè, và tôi chọn dừng ở mức trung bình khá. Cố gắng hướng đến sự cẩn thận hơn, nhưng không hoa mỹ. Cũng có những sự hào nhoáng đập vào mắt người mua, như hộp đĩa cầu kỳ bằng vỏ gỗ, đính đá này nọ… Tôi thì nghĩ cái cần nhất vẫn là âm nhạc, khi người ta cho đĩa vào máy nghe, họ có mãn nguyện với âm nhạc hay không.

– Anh đã bỏ cương vị giảng viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia đúng được một năm. Bây giờ, nhìn lại quyết định ấy, anh có tiếc gì không?

– Tôi vẫn thấy đó là quyết định hoàn tòan chính xác. Trước khi công bố nó, thì sự vận hành và trăn trở bên trong cũng đã mất vài năm. Lý do không phải vì tôi có mâu thuẫn với Học viện, mà là mình không làm trọn vẹn được vai trò người thầy về thời gian dành cho việc giảng dạy. Biểu diễn và dạy học, hai việc đó luôn chen ngắt nhau, chúng vắt kiệt tôi. Việc giảng dạy đáng lẽ không được phép ngắt quãng hay để điều gì chen vào, nó đòi hỏi sự liên tục. Nhiều lần tôi bỏ lịch diễn để đảm bảo cương vị của người thầy, có những lúc diễn xa về lập tức vào guồng dạy tiếp theo… nhưng tôi luôn bị kiệt sức. Việc dừng lại ở Học viện cho tôi giá trị là được trở về đúng là mình. Việc tìm thấy tự do, thấy mình là điều quý giá nhất.

– Thật sự là chỉ có day dứt về sự eo hẹp thời gian thôi ư? NSND Trung Kiên chẳng nói, “Nếu ai cũng như Trọng Tấn thì cả học viện giải tán từ lâu rồi”…

– Tôi không ân hận gì về việc dạy học. Còn chắc chắn, học sinh của tôi không có gì để trách thầy, ngay cả bây giờ, các em vẫn tìm đến tôi để xin học. Việc dạy không chỉ truyền đạt tinh thần hay kỹ thuật, mà là trao truyền tình yêu và lý tưởng  nghề nghiệp. Chính vì đam mê đó mà tôi cứ không dứt ra được. Lúc tôi còn dạy, học sinh không phải lớp tôi cũng xin đến ngồi túc trực nghe thêm. Bao nhiêu năm trời tôi luôn về ăn cơm trưa vào lúc đầu chiều. Dạy học như người gọt quặng thô, diễn biến rất chậm, phải kiên nhẫn vô cùng, tập trung hoàn toàn. Có những học sinh tôi mất 3 năm mới giải quyết được đúng một vấn đề về kỹ thuật, và giải quyết được rồi thì thầy mãn nguyện lắm, như là thành quả của mình vậy… Tình cảm thầy trò thì không mất được đâu, dù tôi là thầy chính quy hay tự do. Tới giờ, bước vào những kỳ thi quan trọng hay gặp bất cứ trăn trở nào về nghề nghiệp, các em vẫn tìm đến tôi. Chữ “thầy” vẫn ở trong mình, rời Học viện nhưng tôi đâu bỏ công việc dạy học.

– Còn cách dạy kinh viện trong trường Nhạc, không phải là điều mà thế hệ giảng viên trẻ như anh thấy khó “tâm phục khẩu phục” hay sao?

– Nếu dạy trong Học viện, trường giao bao nhiêu học sinh thì mình phải đảm nhận. Bây giờ tôi có thể lựa chọn học sinh theo thẩm định của mình, biết em ấy là quặng vàng thì mình gọt giũa để có thành quả. Còn em ấy chỉ có sắt đồng… thì mình sẽ nói thật, để em ấy không mất thời gian và ảo tưởng bản thân. Khi dạy ở nhà, tôi quan tâm đến phát triển giọng hát và tâm hồn cho học sinh, mà chẳng cần quan tâm đến giáo trình, hay các khuôn thước không cần thiết và không còn phù hợp với thị trường âm nhạc.

Trọng Tấn

Đang ở đỉnh cao của chính mình thì cao hơn nữa là bất khả

– Trước Trọng Tấn, cũng đã có không ít người trở lại hát nhạc đỏ. Nhưng chỉ tới khi Trọng Tấn xuất hiện thì chính ca mới thực sự hồi sinh, không chỉ ở phía khán giả, mà có cả một lớp nghệ sĩ trẻ cũng hào hứng quay lại dòng nhạc này. Anh nghĩ gì về danh vị “người làm sống lại nhạc đỏ” mà mọi người yêu quý dành cho anh?

– Ở thời điểm tôi bắt đầu đi hát, lứa của các danh ca Thanh Hoa, Thu Hiền, Kiều Hưng… cũng đã cách một quãng khá xa. Lúc đó là buổi vàng son của nhạc pop với sự lên ngôi của một loạt tên tuổi như Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Trần Thu Hà… Sau đấy là giai đoạn của nhạc sến với show và băng đĩa Ngọc Sơn, Đình Văn, Tài Linh… và nhạc hải ngoại của Thúy Nga Paris tràn về khuynh loát thị trường âm nhạc. Việc tôi xuất hiện với nhạc đỏ chẳng phải là âm mưu gì về một vai trò “lịch sử” như chị nói. Bắt đầu chỉ là không có ai hát thì tôi hát. Và khán giả thì lâu lắm rồi không được nghe thứ âm nhạc quê hương, với tinh thần vừa hào hùng vừa dân gian trữ tình, nên họ đã đón nhận tôi thật nồng nhiệt. Tôi may mắn là đúng thời điểm đó xuất hiện một lứa ca sĩ trẻ cùng tạng chất với mình. Đó là Đăng Dương, Việt Hoàn, Anh Thơ, Lan Anh… họ hấp dẫn và tài năng, tạo thành một thế hệ đáng nhớ. Việc nhạc đỏ hồi sinh tôi không dám nhận là công lao của riêng mình, mà là thành quả của cả một thế hệ nghệ sĩ. Nếu chỉ có mình Trọng Tấn đứng đó bơ vơ, hát hay mấy cũng khó mà thành trào lưu được. Chỉ có một tập thể mới tạo nên sức mạnh đổi dòng, đưa những tác phẩm chính ca quay lại đúng nghĩa “còn mãi với thời gian”.

– Hoài bão mạnh mẽ nhất của anh trong âm nhạc là gì?

– (Im lặng một lúc). Khi nghe bạn hỏi, lập tức trong đầu tôi trống trơn, không có gì. Nhìn lại, tôi có những khát khao trong từng giai đoạn ngắn, nó như những bậc thang theo năm tháng mà mình lần tìm để bước tới. Lúc đầu là làm sao để đến được với công chúng, có được đĩa nhạc riêng, được hát trên sân khấu lớn, bài hát của mình đủ làm rung cảm người nghe…Chặng tiếp theo, là làm sao giữ được hình ảnh của mình. Năng lượng của người nghệ sĩ chỉ đốt được đến một chiều kích nhất định. Sau đó, anh phải giữ được hình ảnh của mình, để có thể cố gắng đi theo chiều ngang, đừng để mình đi xuống.

– Anh đang thênh thang trên con đường tự do, tự quyết. Cả khán giả và đồng nghiệp đều kỳ vọng Trọng Tấn sẽ nới rộng biên độ của mình, có những khai phá mới. Vậy mà anh chỉ “cố gắng đi theo chiều ngang” thôi ư?

– Tôi cảm thấy không biết bây giờ sẽ làm hơn bằng cái gì nữa? Làm như thế nào? Vì mình đang ở cái mốc của chính mình, đỉnh cao của chính mình rồi thì cao hơn nữa là bất khả. Cố gắng để giữ được tốt như hiện nay đã là thách thức rồi. Đi ngang được hết cuộc đời nghệ sĩ là khó lắm, mọi sáng tạo, năng lượng, nỗ lực… cũng chỉ dám hy vọng để mình đi ngang thôi. Sự lóe sáng nào đó ở một vài chương trình, tôi tỉnh táo biết rằng chỉ vì mình là điểm lạ. Chứ không phải mình đang cao hơn. Bây giờ, lúc này đây, tôi là cánh hoa nở ra rồi. Cố gắng giữ hương thơm càng lâu càng tốt, chứ nó không còn ở giai đoạn nụ để chờ đợi một điều gì thần kỳ rực rỡ phía trước nữa.

– Anh có hay xem lại mình không? Cảm giác chứng kiến mình như “một bông hoa đang nở” hẳn ít nhiều thích thú?

– Nhiều lần ngồi xem chính mình trên ti vi, tôi không thích sự căng thẳng của mình. Bây giờ tôi vẫn bị căng thẳng. Sự căng thẳng dường như luôn túc trực. Nhưng tôi nhận ra năng lượng mình vẫn còn tràn đầy để đốt lên, bằng giọng hát, xúc cảm, bằng sự từng trải và cách lựa chọn con đường nghệ thuật của mình…Tôi thấy mình vẫn còn hồi hộp, điều ấy thật cảm động với riêng tôi, bởi giữ được sự hồi hộp là tôi còn giữ được nỗi háo hức bất ngờ mỗi khi bước ra sân khấu. Giờ thì đi ngang – nhưng cũng đã để mọi người rung cảm và thỏa mãn với giọng hát của mình. Đối với tôi, điều đó đủ gọi là thành công, tôi không nghĩ nó lớn hay nhỏ.

“Trọng Tấn là nghệ sĩ luôn sáng tạo trong thể loại anh theo đuổi. Với sự dày dạn trong nghề, trình độ cao của giọng hát và bản năng nghệ sĩ, cảm giác âm nhạc rất rộng, nên khả năng bung phá của Trọng Tấn là rất lớn. Nhưng Tấn đã tự chọn cho mình con đường chính thống và khuôn thước. Trong liveshow cá nhân đầu tiên sau hơn 20 năm đi hát, Trọng Tấn đã ngồi cùng In The Spotlight để nói về hoài bão của anh ấy. Tấn muốn thay đổi và mới mẻ. Sự mạnh dạn thay đổi không nằm ở quần áo hay nhảy nhót, mà là phá đi một số khuôn thước về cách nghĩ, cách truyền tải, và tinh thần trong âm nhạc. Trọng Tấn sẽ vẫn hát những bài kinh điển, nhưng sức truyền tải sẽ gần hơn với âm nhạc đương đại, đưa đến cảm nhận khác biệt cho khán giả.

Thay đổi Trọng Tấn không khó, nhưng thay đổi đến mức nào để vẫn là Tấn nhưng mới mẻ hơn chính Tấn – đó là điều khó. Vì thế, Concert Trọng Tấn (20/9 tại Cung Văn hóa Hữu nghị) sẽ là show bất ngờ nhất trong chuỗi chương trình In The Spotlight phiên bản mới – đến mức tới giờ tôi vẫn chưa hình dung được hết!”

Nhạc sĩ Hồng Kiên – Giám đốc âm nhạc chuỗi chương trình In The Spotlight

 Bài: Quỳnh Tun

logo

>>> Có thể bạn quan tâm: Nom Trọng Tấn chẳng có vẻ gì là một người đàn ông thành đạt: gương mặt dường như vẫn còn vương một chút chân quê, ăn vận giản dị, mà như Tấn nói là “gần như chả liên quan chút gì đến hàng hiệu”… Nhưng chỗ Tấn ngồi tiếp chuyện tôi (cái phòng khách rộng thênh thênh nhìn ra cái giếng trời đầy cây xanh và nắng) lại cho biết rằng, ít nhất, vợ con anh đã được “ấm thân” đến mức nào nhờ giọng hát trời cho ấy. Vậy mà đã là lúc Tấn dợm nhắc đến hai chữ “giải nghệ”, nhẹ như không…

Thực hiện: depweb

09/09/2014, 15:44