Thanh Phương: "60 tuổi, tôi sẽ lại làm một ông già cực đoan" - Tạp chí Đẹp

Thanh Phương: “60 tuổi, tôi sẽ lại làm một ông già cực đoan”

Sao

 

Thanh Phương có cách nói chuyện chậm rãi nhưng dễ khiến người đối diện cảm thấy tin cậy. Đúng như nhận xét về người khác của chính anh: “Con người như thế nào thì âm nhạc sẽ như vậy”. Tiếp xúc với Thanh Phương càng hiểu con đường nghệ thuật riêng mà anh đang đi. Niềm tin, sự kiên trì và ý th ức của một người nghệ sĩ đã giúp anh tìm được vị trí trong bức tranh âm nhạc Việt Nam.

 

Mong manh? Tù mù thì đúng hơn!

Anh có lẽ là nhạc sĩ hiếm hoi ở Việt Nam chỉ làm công việc hòa âm phối khí mà không sáng tác ca khúc?

Thực ra là chưa chứ không phải là không. Tôi có viết ca khúc nhưng lưu hành nội bộ (cười). Nói vui vậy thôi, tôi có viết cả ca khúc và các bản nhạc hòa tấu. Nhưng nhạc hòa tấu thì để nghe cho vui còn ca khúc thì chưa thấy có nhu cầu để ai hát. Nhưng chắc lúc nào đó cũng phải phổ biến để người ta biết mình cũng biết viết nhạc!

Làm vậy liệu có “thiệt thòi” cho những đứa con tinh thần của anh và cho chính công việc của anh?

Theo tôi là không. Anh cũng biết là trên thế giới một nhạc sĩ hòa âm phối khí chuyên nghiệp như tôi rất nhiều và đóng một vai trò nhất định trong nền công nghiệp âm nhạc. Hơn nữa, xét trên quan điểm chuyên môn, hòa âm phối khí cũng là một thứ sáng tác đi song song với người sáng tác ca khúc.


Tôi nghĩ rằng để tạo ra một bản hòa âm thành công, anh sẽ phải làm việc với nhạc sĩ sáng tác và cả ca sĩ thể hiện ca khúc rất nhiều?

Thực ra người nghệ sĩ người ta sống như thế nào thì viết ra tác phẩm như thế. Đó là điều chắc chắn. Dù hay dù dở thì tác phẩm chính là con người, là cuộc sống của họ.

Vì thế những nhạc sĩ phối khí cũng không nhất thiết phải cọ xát và trao đổi nhiều. Tác phẩm đã vang lên như thế rồi thì mình làm theo cái tinh thần đó. Anh nghe một ca khúc thấy hay tức là tinh thần của ca khúc đã được làm rõ và như vậy là thành công.

Nhưng tôi thấy rằng ở Việt Nam có một số nhạc sĩ hòa âm phối khí, trong đó có anh, mà nếu chỉ cần nghe cũng có thể nhận ra dấu ấn của họ.

Thường là như vậy. Một nghệ sĩ, bất kể là ca sĩ, nhạc sĩ hay nhạc công thậm chí cả những loại hình nghệ thuật khác, có một dấu ấn riêng hay người ta quen gọi là phong cách riêng của họ. Nhưng đó là lý thuyết thôi, còn thực tế và đặc biệt là ở Việt Nam, một số người làm nhạc nhưng là thứ đặt hàng, theo phong trào hay kiếm tiền đơn thuần thì nhạt nhòa lắm, chẳng có cá tính gì cả. Nghe một bài nước ngoài hay hay rồi dựa trên đó xào xáo bài của mình chẳng hạn thì đó cũng là viết nhạc. Nhưng cái đó chắc chắn bạn chẳng phát hiện ra của ai được và đó cũng là thứ không có giá trị nghệ thuật. Tồi tệ hơn thì bạn phát hiện ra bài đó na ná bài hát nước ngoài nào đó. Lúc đó là mức độ trầm trọng rồi.

Lại là câu chuyện giống nhau trong âm nhạc. Diễn biến sự việc ca khúc “Princess of China” của nhóm Coldplay giống bản phối “Ra ngõ tụng kinh” của anh có gì mới không?

Chưa có gì mới nhưng chắc là cũng sẽ chỉ dừng ở đó thôi. Vì âm nhạc khác những thứ khác, nó không có hình hài cụ thể mà chỉ là giai điệu, một khái niệm không rõ ràng được để xác định giống hay khác. Đối với quốc tế, mọi thứ còn phức tạp hơn. Họ dựa trên cơ sở nào đó tính toán theo khoa học đàng hoàng. Đó là môi trường làm việc mà tôi không biết gì và Trần Thu Hà thì chắc cũng phải tìm hiểu. Câu chuyện này đến với tôi rất đường đột, bỗng nhiên điện thoại trong vài ngày liên tục kêu chuông và phải tiếp chuyện các nhà báo. Cũng có nhiều email từ phía Mỹ mà tôi chưa tiện kể ra ở đây… Tôi thấy những kiểu ồn ào này cũng bình thường và tất yếu trong sáng tạo nghệ thuật. Phải có tranh cãi và so sánh, nhưng người làm nghệ thuật phải giữ được bản lĩnh và sự bình tĩnh… Điều thú vị nhất chính là tự nhiên có một sự kiện nhỏ để dư luận bớt tự ti khi nhìn những nghệ sĩ Việt Nam sáng tạo.

Tóm lại khoảng cách giữa giống và khác trong âm nhạc rất mong manh?

Nói mong manh là văn hoa chứ tôi nghĩ là tù mù thì đúng hơn. Đặc biệt là thị trường ca nhạc Việt Nam hiện nay. Những bài hát cứ na ná giai điệu chỗ này chỗ kia thì đầy rẫy. Nhưng chẳng ai quan tâm vì thị trường quá bé. Một sản phẩm đưa ra thị trường, thu lại nhiều nhất vài chục triệu chứ bao nhiêu. Nhưng đến lúc thị trường to ra thì chắc là cũng thành chuyện đấy.

Chưa chạm đích thì tốt nhất đừng ngoái đầu lại


Đến nghe Không gian âm nhạc, khán giả thường thắc mắc, tại sao lại là Tuấn Ngọc với Nguyên Thảo, Quang Linh với Năm Dòng Kẻ, Thu Minh kết hợp với Anh Khoa?

Tại sao lại không? Chúng tôi tìm thấy ở họ những mẫu số chung và những ẩn số riêng để chia sẻ cùng một sân khấu. Và quan trọng là trong chương trình, họ đều chỉ hát chứ không phải làm gì khác, chẳng hạn như… múa. tôi thích cái cách tư duy đi trước và thích làm bất ngờ với người xem. Ít nhất, Không gian âm nhạc làm cho họ tò mò, và chúng tôi làm mọi bất ngờ trở thành thú vị và hợp lý.

Theo anh những yếu tố nào khiến chương trình thu hút được sự chú ý của khán giả, ngoài những sự kết hợp “tại sao” đó?

Đó là việc đưa sự thưởng thức âm nhạc về đúng giá trị gốc: nghe nhạc, không có những cái mà gần đây chúng ta hay gọi là chiêu trò.

Sự mới lạ ban đầu có thể khiến người ta tò mò, nhưng lâu dài anh có lo sẽ nhàm chán?

Ít nhất thì đến bây giờ tôi nghĩ rằng nó chưa nhàm chán. Nếu anh đã chọn được cho mình một hướng đi đúng, anh đang đi và chưa chạm đích thì tốt nhất đừng ngoái đầu lại, tập trung và đi đến đích cái đã. Khán giả vẫn đến chật kín các đêm diễn là một minh chứng rõ ràng. Nhưng để làm được như vậy đúng là ê-kíp thực hiện chương trình luôn phải tự đặt cho mình áp lực của sự làm mới. Bởi tiêu chí đầu tiên khi chương trình được xây dựng là mới lạ. Nhưng là mới lạ trong âm nhạc. Nếu không mới lạ, chúng tôi sẽ không khác gì những chương trình ca nhạc khác.

Sau mỗi chương trình chúng tôi làm, ngay cả các ca sĩ cũng thường tỏ ra rất hào hứng và thích thú. Thực ra acoustic là như vậy. Nói là đẳng cấp thì không đúng lắm nhưng nó giống như một cá tính khác của ca sĩ.

Ca sĩ sẽ không có sự hỗ trợ nào ngoài ban nhạc, tức là âm nhạc và họ sẽ chỉ hát bằng tâm hồn và giọng hát của mình mà thôi. Có chăng, chúng tôi xây dựng những bản phối mới mẻ cho một vài ca khúc quen thuộc của ca sĩ hoặc đề xuất những ca khúc mà khán giả chưa bao giờ nghe ca sĩ đó hát. Tóm lại, tiêu chí là mới lạ tức là phải có sự khám phá.

Có phải cũng là nhạc công nên anh là người luôn đề cao vai trò của ban nhạc trong các chương trình biểu diễn?

Đúng như vậy. Quá lâu rồi, thậm chí từ khi nhạc nhẹ ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện, chúng ta đã bỏ quên vai trò của người nhạc công. Chỉ có ca sĩ, nhạc sĩ hay ca từ, giai điệu, giọng hát… là được nói tới trong khi người quyết định tới một nửa thành công của một bài hát chính là những nhạc công thể hiện.

Riêng cá nhân mình, tôi luôn thích tính chất con người trong âm nhạc. Nghĩa là dù hay dù dở vẫn là nhạc do con người chơi nhạc cụ tạo ra. Anh có nhớ album đầu tay của nữ ca sĩ Norah Jones giành được tới mấy giải thưởng Grammy. Tôi rất thích album đó. Nếu là người trong nghề lại có chuyên môn thu âm như tôi sẽ tìm thấy ở đó những lỗi trình diễn. Nhưng chính cái tự nhiên, thứ âm nhạc từ tâm hồn đó mới là âm nhạc đích thực và nghe bất cứ lúc nào anh cũng thấy tràn đầy cảm xúc.

Tôi từng không có điều kiện để cực đoan

Anh vẫn là cố vấn của ban nhạc rock Ngũ Cung chứ?

Vâng. Vừa là mối quan hệ riêng của tôi với họ. Nhưng quan trọng là tôi cũng thích ban nhạc đó.


Tại sao vậy?

Họ cực đoan và tôi quý trọng sự cực đoan của họ.

Tôi không nghĩ rằng anh thích sự cực đoan?

Sự cực đoan ở đây là về mặt âm nhạc, về quan điểm nghệ thuật. Họ chơi một thứ nhạc rock riêng và dù cho có những lựa chọn khác tốt hơn về mặt thu nhập hay danh tiếng, họ từ chối và vẫn chỉ kiên trì theo đuổi con đường mình đi. Và tôi thích họ ở điểm đó. Vì tôi quan niệm nếu muốn thành một nghệ sĩ thì anh phải cực đoan trong nghệ thuật. Phải tin và chỉ làm theo niềm tin của mình dù cho có thể nó sẽ không được số đông đón nhận ngay.

Có phải anh cũng nhìn thấy ở họ một thời tuổi trẻ của mình?

Năm 20 tuổi, tôi cũng mê và chỉ thích chơi rock. Nhưng đó là thời rất khốn khó. Tài liệu, nhạc cụ, sân khấu hay những nơi hỗ trợ… đều không có và vô cùng thiếu thốn. Tổ chức được một buổi diễn rất khó. Chỉ duy có khán giả thì rất nhiều. Đam mê trong lúc khốn khó đó chỉ tồn tại đến lúc tôi bắt đầu phải kiếm tiền. Mà rock thì không thể giúp tôi kiếm sống. nghĩa là tôi không được quyền đam mê cái đó nữa mà phải chơi các loại nhạc có khi mình chẳng thích gì cả. Đơn giản là khi còn trẻ, tôi không có điều kiện để cực đoan.

Còn các ban nhạc rock trẻ hiện nay thì ngược lại, họ có điều kiện để cực đoan. Họ có tài năng, có đủ điều kiện về mặt nghề nghiệp, gia đình có thể hỗ trợ họ và ít nhiều họ cũng kiếm được tiền từ nhạc rock.

Thời gian anh chuyển từ sự cực đoan sang chấp nhận làm nghề để sống có lâu không?

Tôi không nhớ chính xác nhưng mất vài năm phải đi đánh nhạc ở khách sạn, quán bar lung tung kiếm sống. Rồi vào nhóm Phương Đông của anh Quốc Trung, tôi bắt đầu rẽ sang làm một nhạc công chơi nhạc nhẹ. Trong khoảng 10 năm gần như tôi không chơi hoặc làm thứ nhạc mình ưa thích. Đến năm 30 tuổi, khi cuộc sống và sự nghiệp bắt đầu tương đối ổn định, tôi bắt đầu quay lại với thứ nhạc mình thích. Nhưng cũng chỉ được 50% thôi còn 50% vẫn phải để làm nhạc kiếm sống. giờ thì tăng lên khoảng 65%. Tức là nhạc mình thích cũng kiếm sống được. Tôi nghĩ chắc là năm 60 tuổi thì mình sẽ lại cực đoan!


Bây giờ, khi đã là một nhạc sĩ chuyên nghiệp, cách làm việc của anh mỗi khi sản xuất một CD là gì?

50% cảm hứng và 50% đặt hàng. Chỉ là một đơn đặt hàng thì mình không làm được. Nhưng cảm hứng hết thì nhiều khi đợi lâu lắm.

Từ một người chơi guitar thành một nhạc sĩ phối khí chuyên nghiệp gắn với những sản phẩm âm nhạc mang phong cách acoustic, tôi lại cảm thấy rằng anh đang làm cho nhiều người cũng thích thứ âm nhạc mà mình thích đấy chứ?

Đồng nghiệp thì đón nhận tốt. Khán giả số đông thì chưa hẳn đã thích cách làm của tôi vì nhiều đĩa… không thành công lắm về thương mại, ca sĩ không dùng được nó để chạy show kiếm ra nhiều tiền. Có lẽ giữa một thị trường âm nhạc “hoành tráng” như hiện nay thì cách làm của tôi đôi khi lại khiến người nghe nghĩ là cẩu thả thậm chí nghiệp dư… tôi nghĩ mình sẽ vẫn theo đuổi con đường này nhưng mọi thứ có lẽ mới chỉ bắt đầu.


Không thành công về thương mại mà anh vẫn muốn theo đuổi. Có cực đoan không?

Mỗi khi nhận lời sản xuất CD cho ai đó tôi thường nói chuyện với họ rất nhiều, trao đổi xem họ muốn gì và đưa ra ý tưởng của tôi về đĩa nhạc của họ. Khi làm, tôi luôn muốn đưa người ca sĩ về với cách hát và cách thể hiện ca khúc mộc mạc nhất. Làm sao để lột tả được nội tâm của họ, sự cảm thụ của họ với ca khúc. Mỗi album như thế làm ra khá mất thời gian nhưng ngược lại ca sĩ và người sản xuất đều cảm thấy hài lòng. Vì đó là cách làm đề cao cá tính của ca sĩ và hướng tới những sản phẩm ca nhạc để thưởng thức thực thụ.

Có một câu chuyện là một hôm tôi nhận được điện thoại của nữ danh ca Bạch Yến từ Pháp. Bà gọi và bảo là rất thích đĩa nhạc Trịnh – “Thiên sứ” mà tôi làm cho Hiền Thục. Bà bảo muốn làm thế từ lâu lắm rồi mà không thấy trên thị trường có và muốn cộng tác với tôi. Tôi nói rằng là một nhạc sĩ chuyên nghiệp, tôi không bao giờ từ chối. Nhưng thế hệ của bà hơi xa nên tôi chưa nghe được bà hát và chưa dám nói gì nhiều. Chúng tôi đã hẹn nhau ra tết sẽ gặp gỡ để ca sĩ Bạch Yến hát cho tôi nghe.


Tôi định hỏi anh vài câu về cuộc sống riêng?

(Cười) Được thôi nhưng tôi chỉ sợ không có gì để kể với anh. Vì cuộc sống riêng của tôi cũng bình thường lắm. Mà tôi thì không có khả năng kể chuyện bình thường thành hay hoặc sốc đâu đấy.

Vậy thì tôi sẽ hỏi cách khác, anh có cảm thấy bằng lòng với cuộc sống hiện nay?

Tôi nghĩ là có. Vợ tôi vốn là nghệ sĩ nhưng cô ấy đã bỏ tất cả để dành cho gia đình, và xác định trong nhà chỉ cần một nghệ sĩ là đủ. Tôi có hai con gái, cháu lớn bắt đầu bộc lộ những tố chất nghệ sĩ như thích hát, tự học và chơi đàn guitar dù tôi chưa dạy được cho cháu một chút nào. Tôi cũng để cháu phát triển tự nhiên, thích thì làm nghề còn nếu không đủ say mê thì sau này làm nghề khác. Gia đình riêng của tôi bình yên, mọi người tạo điều kiện và không gian riêng cho tôi được làm công việc theo cách mình muốn mà vẫn có được những thành quả nhất định. Tôi nghĩ, với mình vậy cũng là quá đủ. Nhưng tất nhiên, tôi vẫn muốn làm được nhiều hơn nữa. Ít nhất là trong nghệ thuật.


Bài: Độc Cầm

Ảnh: Jean-Paul Le Pret

Thực hiện: depweb

08/02/2012, 09:44