Joe: "Xuân Diệu đã không biết gì về nhiễm sắc thể 17" - Tạp chí Đẹp

Joe: “Xuân Diệu đã không biết gì về nhiễm sắc thể 17”

Sao

Khoa học và sự lãng mạn là một cặp đôi hoàn hảo!

– Tôi thấy sách của anh Joe trước giờ vẫn hấp dẫn vì những phát hiện thú vị về con người, tính cách Việt Nam, được viết bởi giọng văn rất duyên và hóm hỉnh. Bây giờ đọc “Tình yêu cũng chỉ là một hoóc môn” thì tôi thấy sự hấp dẫn chỉ còn một nửa. Vì nội dung không phải chỉ là những khám phá mới mẻ về riêng Việt Nam, đặc biệt là con gái Việt Nam nữa. Có phải vì anh không còn thấy bất ngờ với đất nước này nữa nên phải chuyển đề tài?

– Đúng là ebook này sẽ kén chọn độc giả hơn các cuốn sách cũ của tôi. Nó không thuộc dạng “phụ nữ Việt Nam thật là phức tạp, ối trời ơi” cho nên nó sẽ không hấp dẫn người chỉ thích đọc bài giải trí nhẹ nhàng.

Tất nhiên tôi vẫn tôn trọng thể loại hài hước nhẹ nhàng, vẫn thích thú và thích thử nghiệm với nó, nhưng ebook này sẽ không thu hút lượng độc giả đông như là một cuốn sách sưu tập các bài “ối trời ơi”. Nói tóm lại, tôi nghĩ ebook này sẽ chỉ hấp dẫn một nửa đối với hai phần ba độc giả của tôi, và hấp dẫn gấp đôi với một phần ba còn lại.

Tôi vẫn có nhiều thứ muốn nói, muốn viết về Việt Nam, nhưng tôi dành sự tò mò cho Việt Nam, và cho cả ADN, cơ thể của động vật có vú và nhiều điều khác.

joe tây 

– Anh Joe có một ý rất hay: phụ nữ Việt Nam, thì trước tiên phải là phụ nữ, rồi mới tới phần Việt Nam. Nhưng chủ đề phụ nữ thì hàng ngàn năm qua người ta nói suốt rồi, người nói hay cũng nhiều, mà những phát hiện thú vị cũng không ít. Vậy nên nói về phụ nữ Việt Nam thôi thì sẽ dễ thành công hơn. Tại sao anh lại không chọn như vậy?

– Câu “nói suốt rồi” cũng nguy hiểm. Trong hàng ngàn năm, từ thời nguyên thuỷ cho đến bây giờ, thì một chuyện như bệnh sốt rét chẳng hạn, loài người cũng đã “nói suốt rồi”, nói về nguyên nhân: là do không khí, do Chúa, do ta vô tình mặc áo màu đỏ; rồi là cách điều trị: như hát bài tặng thần nọ, tắm nude ở sông kia… May rằng loài người chúng ta đã không bỏ cuộc, không thống nhất với nhau rằng người ta chết như vậy thì người ta sẽ chết như vậy mà thôi, nói nhiều làm gì, chịu thôi.

Cuộc trò chuyện về bệnh sốt rét đúng nghĩa chỉ bắt đầu cách đây hơn 100 năm khi một bác sĩ người Anh tìm ra sự liên quan giữa bệnh này với loài muỗi Anopheles, cũng như miêu tả được trọn vẹn vòng đời của ký sinh trùng sốt rét. Từ đó cho tới nay, con người đã có những cuộc trò chuyện rất khác về một chuyện “nói suốt rồi”.

Biết đâu chuyện “phụ nữ và tình yêu” cũng mang chút tính chất như vậy? Gần đây chúng ta đã phát hiện rất nhiều thứ về gen, về sự liên hệ giữa gen và môi trường. Với ebook này, tôi không muốn nhận xét một cách vui vẻ về phụ nữ Việt Nam. Tôi muốn đưa ra câu hỏi: thế nào là phụ nữ Việt Nam? Phụ nữ Việt Nam thực sự khác với phụ nữ không phải Việt Nam ở điểm nào? Có phải cụm từ “phụ nữ Việt Nam” trở nên phổ biến tại Việt Nam vì báo chí không biết, hoặc không muốn nói về chuyện khác?

– Ebook mới của anh Joe, giống như anh viết: nó (có vẻ) thật, vì dựa trên bằng chứng, nghiên cứu. Và theo anh thì một viên penicillin đáng giá hơn một trăm lời cầu nguyện của các ông thầy lang mũ hồng, nhưng theo tôi, người ta chọn tin vào cái nào thì lại là một chuyện khác.

Sở dĩ tôi nói như vậy, vì theo như tôi thấy, từ xưa đến nay có không ít các phát hiện mới về con người và các mối quan hệ của các nhà khoa học, nhưng có lẽ cách yêu và cách cư xử với tình yêu của con người cũng chẳng có thay đổi gì đáng kể. Anh có nhận thấy như vậy không?

– Tôi không nhận thấy như vậy. Rõ ràng cách cư xử của con người với nhau đã thay đổi rất nhiều. Năm 1400, tại các nước châu Âu, cứ 100.000 người thì có 50 người bị giết hại. Năm 2000, con số đó đã xuống thấp, chỉ có 1 người bị giết. Có nghĩa là sau 600 năm phát triển khoa học thì chúng ta không còn giết nhau mỗi khi có cảm giác muốn… giết nhau.

Hoặc vào năm 1940, trên khắp thế giới, cứ 100.000 người có 20 người chết trong chiến tranh. Năm 1970, con số người chết chỉ còn 8 người. Giờ thì con số đó nhỏ hơn 1 – từ 20 xuống dưới 1 (người), sau 70 năm. Báo chí vẫn nói về chiến tranh và các vụ khủng bố, nhưng số người chết do chiến tranh đang ở mức thấp nhất lịch sử.

Còn về cách người ta cư xử trong tình yêu, tôi tin rằng đã có sự thay đổi lớn tương tự. Chúng ta chỉ cần nhìn kỹ, nhìn sâu và thực sự cảm nhận bối cảnh của thời hiện tại. Chúng ta không đối xử với nhau như thời xưa, mà nguyên nhân sâu xa là sự phát triển của khoa học.

 

– Tình yêu chỉ là một hoóc môn, đây là một gáo nước lạnh. Trong sách, anh chẳng chừa chỗ nào cho lãng mạn, duyên phận, may mắn, đen đủi… cũng chẳng còn chỗ cho niềm tin rằng ở đâu đó có người (duy nhất phù hợp với tôi) đợi tôi? Anh nghĩ người đọc khi biết và tin vào điều này thì người ta sẽ yêu như thế nào?

– Tôi có chừa chỗ cho lãng mạn và duyên phận chứ! Trong sách tôi thừa nhận rằng tình yêu bí ẩn hơn những gì tôi viết. Tôi phải thừa nhận như thế, nếu không thì lạnh lùng quá.

Tôi cũng nói về vùng xám mà sự lãng mạn gặp sự phát triển khoa học, bài thơ gặp bài nghiên cứu… – một đề tài hết sức thú vị. Ý của tôi trong ebook này là chúng ta không nên để Xuân Diệu được độc quyền phân tích về tình yêu. Đó cũng là sự độc quyền của cảm nhận, cảm giác, cảm nghĩ, sự độc quyền của sách ngôn tình, của Zing MP3, của những lời chia sẻ thuộc về ông nọ, bà kia, mà chỉ dựa trên kinh nghiệm của ông nọ, bà kia. Bởi vì thành thật mà nói, tôi cho rằng Xuân Diệu đã không biết gì về nhiễm sắc thể 17, và về những yếu tố gen khác mà tôi mô tả trong ebook.

Bản thân tôi nghĩ khoa học và sự lãng mạn là một cặp đôi hoàn hảo. Chẳng hạn, tôi hiểu vì sao trời mưa. Tôi đã hiểu từ lâu rồi. Nhưng tôi vẫn yêu mưa, vẫn nghĩ vu vơ khi nhìn ra cửa sổ vào một ngày trời mưa, vẫn nghe lời tâm sự của các người yêu cũ. Rồi trời hết mưa, và tôi hiểu vì sao trời hết mưa. Tôi không thấy mâu thuẫn. Khoa học là một ngôn ngữ dùng để nói về vẻ đẹp bí ẩn của vũ trụ, được cái là từ vựng hơi bị phát triển.

Chúng ta đang lãng phí sự đau khổ

– Theo anh Joe thì nếu vai trò của hoóc môn đúng như sách viết, chúng ta phải xây dựng một văn hoá yêu mới. Anh có thể nói thêm về văn hoá này?

– Đúng rồi. Văn hoá đó bao gồm mọi khía cạnh của tình yêu: chọn lối sống độc thân hay kết hôn, lăng nhăng hay chung thuỷ, cách đối xử với nhau khi đến với nhau, khi chia tay nhau, rồi chuyện đổ lỗi cho nhau thì có nên không… Trong ebook tôi nói rằng một chút kiến thức về hoóc môn sẽ khiến chúng ta đối xử với nhau một cách rất khác với thời “chưa biết gì”. Nói rõ trong một bài phỏng vấn thì khó. Chính vì thế tôi đã viết ebook.

– Thực ra, tôi thấy đúng là hiểu biết và cư xử với tình yêu theo những kiến thức trong sách của anh Joe sẽ giảm thiểu được đau khổ, lãng phí, sai lầm. Tuy vậy, theo tôi, vai trò của đau khổ, lãng phí và sai lầm trong cuộc sống mỗi người không hề nhỏ. Anh nghĩ sao?

– Tôi đồng ý. Rất đồng ý. Các nhà khoa học đã có những thí nghiệm rất thú vị với những người không cảm nhận được nỗi đau đớn trên cơ thể – những người sinh ra với các khiếm khuyết về gen khiến cho họ chẳng thấy gì dù ngồi trên lửa. Và họ chắc chắn sẽ chết sớm.

Điều cốt yếu ở đây là chúng ta phải tìm cách cân đối giữa đau khổ lãng phí và đau khổ cần thiết. Hiện giờ, tôi cho rằng loài người chúng ta vẫn đang nghiêng quá xa về phía lãng phí.

– Tôi thấy cuốn sách này có vẻ không hề có trải nghiệm cá nhân của anh Joe. Điều đó có đúng không?

– Ebook nói về cơ sở hoóc môn của từng người một. Có trải nghiệm của tôi trong đó, nhưng tôi đã giấu kín. Bởi vì nếu ebook chỉ dựa trên trải nghiệm và cơ sở ADN của riêng tác giả thì nó chỉ có giá trị với một số ít người có trải nghiệm và cơ sở ADN giống tác giả.

 

– Vì có rất nhiều người khen sách của anh Joe rồi, nên tôi thử chê xem sao. Tôi nghĩ rằng công thức để bán sách của anh đã có, ví dụ như trong series này, anh sẽ triển khai theo công thức: chọn một thực tế đã được khoa học chứng minh, nhưng vẫn còn xa lạ với đa phần người Việt, rồi diễn đạt lại một cách giản dị, gần gũi và hài hước (hoặc lạnh lùng). Thêm vào đó, vì là người nước ngoài, anh luôn được châm chước và chờ đợi. Anh nghĩ sao?

– Khen và chê thì tôi thích và sợ. Ngoài ra tôi chẳng biết nói gì. Tôi cảm thấy phải viết sách, nên tôi viết sách.

Tôi có lần đăng câu này lên Facebook: “Từ nhỏ mình đã không coi mình là con người giống con người. Không hẳn là mình bị cho ra rìa mà nói chính xác hơn thì mình vô thức coi mình là người hành tinh khác, đã sang hành tinh này để quan sát, với mục đích là gửi báo cáo về cho sếp – một sinh vật thông thái đang kiên nhẫn chờ đợi ở đâu đó trong bầu trời đêm. Có lúc mình gặp người như mình, người không phải người, cũng đến từ hành tinh đó, khiến mình phấn khởi hẳn lên. Sẽ có những cuộc trò chuyện thú vị, về trái tim, bộ não, tình yêu và sự sợ hãi, còn mặc dù rất đa dạng nhưng toàn bộ nội dung thuộc về thời gian trò chuyện ấy có thể tóm tắt lại bằng một câu hỏi ngắn: “Báo cáo của bạn đến đâu rồi?”

Tôi kiểu gì sẽ nộp báo cáo. Tôi phải làm thế. Còn nếu được khen thì càng tốt.  

– Xin cảm ơn anh đã chia sẻ!

Tháng Ba, không hẹn mà ba tác giả trẻ của Việt Nam đều ra sách nói về tình yêu: Nguyễn Ngọc Thạch với “Khóc giữa Sài Gòn” kể về các mối tình buồn thương, xa cách trong hơi thở vội vã của thành phố; Phan An với “Tình không như là mơ” chia sẻ những chuyện tình dang dở đầy nuối tiếc và ngậm ngùi mà người trong cuộc cũng không hiểu nổi; và Joe với “Tình yêu cũng chỉ là một hoóc môn”, một ebook mang cái nhìn lạnh lùng, tỉnh táo về cơ sở hoóc môn của cái mà chúng ta vẫn cứ thích gọi là tình yêu, và cách cơ thể điều khiển ta từ bên trong.

Đàn ông viết về chuyện tình thì sao? Có phải như Chimamanda Ngozi Adichie, cây bút nữ trẻ tuổi của văn học châu Phi gây tiếng vang trên toàn thế giới với các tác phẩm dấn thân, từng bày tỏ: “Chẳng phải tất cả chúng ta đều viết về tình yêu hay sao? Khi đàn ông viết chuyện tình, đó là một bình luận mang tính chính trị. Còn khi phụ nữ làm điều đó, đây đơn giản chỉ là một chuyện tình yêu”?

Chuyên đề “Đàn ông viết chuyện tình” của mục Giải trí, Đẹp Online xin gửi tới độc giả giới thiệu ba tác phẩm – ba tác giả – ba chân dung – ba góc nhìn về chủ đề thú vị này.

Các bài viết:

–    Chàng nói gì khi chàng nói chuyện tình
–    50 sắc thái đàn ông và tình yêu
–    Nguyễn Ngọc Thạch: “Tôi viết về sex, vì nó rất đẹp”
–    Joe: “Xuân Diệu đã không biết gì về nhiễm sắc thể 17”
–    Phan An: Tình không như… đàn bà mơ

Tổ chức: Đinh Phương Linh

Bài: Linh Hanyi

Ảnh: Nhân vật cung cấp 


logo

>>> Có thể bạn quan tâm: Có thể có nhiều người sẽ tin rằng tình yêu đang suy thoái theo thời đại, vì họ phải vô thức trả lời điện thoại lúc thăng hoa. Nhưng họ cũng sẽ không thể chịu được việc đám cưới/đính hôn chỉ có một chiếc nhẫn. Dù thế nào, họ cũng sẽ là sản phẩm của thời đại.

 

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

01/04/2014, 15:14