"Cô nào bị chê mà đã cuống lên thì không xứng đáng đẹp” - Tạp chí Đẹp

“Cô nào bị chê mà đã cuống lên thì không xứng đáng đẹp”

Sao

Không có một định nghĩa chính xác nào về vẻ đẹp của phụ nữ, và nét quyến rũ của những người đàn bà ở mỗi thời đại cũng luôn biến chuyển.

Tuy vậy, chuyên đề “Cuộc dắt mũi cái Đẹp” lại có tham vọng đi trả lời câu hỏi: Làm thế nào để có tiêu chuẩn chính xác về vẻ đẹp của người phụ nữ?

Mỗi bài viết nhỏ trong chuyên đề này sẽ là một gợi ý cho câu trả lời dành tặng chị em nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, như một món quà tinh thần nho nhỏ.

Các bài viết trong chuyên đề:

–    Phụ nữ muôn đời bị dắt mũi
–    Đàn bà đẹp cốt để cho đàn ông ngắm?
–    Đã là đàn bà thì đương nhiên phải đẹp
–    Tại sao phụ nữ lại cứ phải đẹp?
–    “Cô nào bị chê mà đã cuống lên thì không xứng đáng đẹp”

Tổ chức: Đinh Phương Linh

 “Cô nào bị chê mà đã cuống lên thì không xứng đáng đẹp”

– Cuộc nói chuyện của chúng ta hôm nay có cơn cớ từ một phát ngôn trên báo của một doanh nhân (tạm cho là) thành đạt, về vẻ đẹp của phụ nữ.



Ông nói rằng: Phụ nữ là phải đẹp chân phương-thánh thiện-con nhà lành-dịu dàng-nữ tính và thông minh. Riêng về phong cách ăn mặc thì nhất định là phải theo “gu”, “Âu ra Âu mà Á thì phải ra Á”, rằng “phụ nữ thì không nên thành đạt mà chỉ nên là người dịu dàng và tinh tế”,…


Tất nhiên mỗi người sẽ có những cái nhìn khác nhau về vẻ đẹp, nhưng từ nhận xét của doanh nhân này, tôi có cảm giác rằng: vẻ đẹp của phụ nữ hiện đại ngày càng đa dạng, nhưng dường như quan niệm về vẻ đẹp của phụ nữ thì vẫn đang bị giới hạn. Anh có nghĩ như thế không?

Tôi không đồng tình. Cái đẹp không đi cùng chữ “phải”. Làm gì có cái đẹp nào “phải thế này”, “phải thế kia”.

 

Blogger 5xu tên thật là Nguyễn Phương Văn. Anh là tác giả của ba cuốn sách: “Thời tiết đô thị”, “Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình” (viết chung với giáo sư Ngô Bảo Châu) và “Ký ức đô thị”.

– Thế nhưng tôi lại thấy đàn ông các anh là chúa hay dùng chữ “phải” khi nói về phụ nữ đấy.

Vậy thì các chị em cũng nên phân biệt các chữ “phải”. Như Võ Phiến giải thích, chữ “phải” có lúc chỉ hàm ý một việc tự nhiên cần làm theo, ví dụ con cái phải lễ phép với cha mẹ. “Phải” ở đây không cưỡng ép, mà là có ý “nên” và “không nên”.

Nên hay không nên về vẻ đẹp của phụ nữ? Là với phụ nữ nào? Với phụ nữ người dưng, không quen biết, không phải là của mình, thì họ đẹp thế nào, mình không có quyền gì mà nên hay không nên. Còn với người “của mình” thì nên hay không nên lại là chuyện rất riêng giữa hai người.

Việc bình phẩm cô này đẹp thế này, cô kia hấp dẫn thế kia, là chuyện tào lao của đàn ông với nhau, đại khái cũng như U19 trận này nên đá thế này, Arsenal trận kia nên đá thế kia, chẳng có ý nghĩa thực tiễn gì cho lắm, dù nói ra thì rất sướng mồm.

– Nhưng anh nghe chuyện Tăng Sâm giết người rồi mà*.

– Tôi không phải là gái đẹp bị chê nên tôi không rõ hiệu ứng Tăng Sâm ảnh hưởng thế nào. Tuy nhiên, phụ nữ thì là con người, con người thì có cái đầu để đánh giá và có trái tim để vừa yêu vừa để chất chứa bản lĩnh. Cô gái nào mà bị dăm câu chê đã cuống lên chỉnh sửa lại ngoại hình thì cô ấy không xứng đáng làm cô gái đẹp.

–  Nếu vẻ đẹp mà không được ghi nhận thì cũng cô đơn chứ anh.

– Cái này thì chắc bạn nhầm. Cái đẹp là một khái niệm, nên cái đẹp không thể vượt trước khái niệm được. Chỉ có một số khái niệm mới, cấp tiến, được nhóm nhỏ chấp nhận, nên cái đẹp đi theo khái niệm mới này bị xa lạ.

Phụ nữ nếu đẹp mà không màng được ghi nhận, mới là phụ nữ đẹp thật từ trong ra ngoài. Chính những phụ nữ đẹp như vậy mới làm xã hội đẹp lên, chứ không phải sự ghi nhận vẻ đẹp của họ mà lại làm xã hội tiến bộ lên. Xã hội vốn tiến lên vì các thành tựu cá nhân, chứ không phải tiến lên bằng cách hùng hục ghi nhận những thành tựu ấy.

Chuẩn của đám đông cũng thay đổi, dù rất chậm, theo tiến bộ của tâm lý, của nhận thức, trình độ chung của đám đông. Nó tiến hóa là nhờ sự thay đổi và tích lũy tâm thức của từng thế hệ, và mỗi cá nhân đóng góp được một chút xíu vào sự thay đổi ấy thôi.

– Nói như anh thì phụ nữ phải tự thay đổi, chứ đừng mong xã hội thay đổi quan niệm để ghi nhận vẻ đẹp mới của mình?

– Nói tự thay đổi nghe hơi gồng, nhưng cứ đơn giản là tự lập đi. Phụ nữ tự lập thì sống khỏe, sống đẹp, bất chấp xã hội thế nào. Còn phụ nữ không tự lập được, không có ai giúp là… cạp đất ngay. Vậy thì, tất nhiên là họ phải đẹp theo ý người khác rồi, thậm chí đẹp theo ý rất nhiều người khác.

Đàn ông gia trưởng là do thiếu trải nghiệm

– Nhưng mà tôi lại đang có hy vọng truyền được một thông điệp nào đó để những người phụ nữ chưa độc lập lắm tin vào vẻ đẹp của họ.

Tự tin luôn là việc khó với tất cả mọi người, không riêng gì với phụ nữ, và không riêng với vẻ đẹp.


– Nhưng mà có giải pháp nào dùng ngay mà lại hiệu quả luôn được không anh?

Khó nhỉ, vì tôi có phải là phụ nữ đâu. Nhưng cách dễ nhất và an toàn nhất là đừng lạc mốt quá, đừng cấp tiến quá, nói chung giữ mình ở trên mức trung bình. Khi phụ nữ ăn mặc và trang điểm và tin là mình bước chân ra trường ở trên mức trung bình, thì họ sẽ tự tin thôi. Đây có lẽ là cách dễ nhất.

– Vậy cá nhân anh, anh thích một mẫu phụ nữ thế nào?

Lúc nào tôi cũng thích những người mới mẻ, hiện đại, chẳng riêng gì phụ nữ. Chơi với họ làm mình không bị lạc hậu, mà luôn bắt kịp nhịp của cuộc sống vốn thay đổi rất nhanh.

– Tôi thì lại chỉ thấy phụ nữ Việt Nam đang phát triển nhanh hơn cái quan điểm mà xã hội dành cho họ, chính vì thế mà phụ nữ bị ế ngày càng nhiều. Cá tính quá: ế. Thành công quá: ế. Thẳng thắn quá: ế.

Ế thì có sao? Đàn ông ế đầy, mà chẳng ai để ý thôi, người đời thường “soi” gái ế. Vả lại, đàn ông ế không được bổ vào đầu các lý do đẹp đẽ như thế đâu (thẳng thắn, thành công, cá tính), mà chỉ có một lý do thôi: thằng này chắc… hâm hâm.

– Nhưng có một thực tế là có nhiều phụ nữ có được vị trí cao trong công việc, họ rất muốn lấy chồng mà nhiều anh chê họ… giỏi quá.

Chê giỏi là một cách chê khéo, có lẽ chê cái gì đó khác. Có nhiều anh rất ngại phụ nữ tỏ ra mình thông minh, nên nói là sợ cô giỏi (dù thực ra anh ta chả sợ gì, thậm chí còn thích gái thông minh). Họ sợ hành vi cố tỏ ra thông minh, chứ không sợ sự thông minh của phụ nữ.

– Câu nhận xét của vị doanh nhân kia: “phụ nữ đẹp thì không chăm, thông minh thì không hiền”, trong đó, ông đánh giá cao chăm và hiền, tôi thấy nhiều người đàn ông cũng ủng hộ. Theo tôi, đấy chính là áp lực mà phụ nữ Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt. Nếu họ vừa đẹp, vừa chăm, vừa thông minh thì tất nhiên họ không “hiền” như kiểu đàn ông muốn ở họ được.

–  Thì xã hội có những người giống vị doanh nhân kia, và cũng có những người đàn ông khác. Nếu phụ nữ thấy mình bị áp lực với loại đàn ông này, thì có thể đổi qua loại đàn ông khác, rất tự do và tự nhiên.

Tuy nhiên, chăm chỉ là một phẩm chất của con người trong xã hội hiện đại. Phụ nữ hiện đại cũng nên chăm chỉ, đàn ông hiện đại cũng nên chăm chỉ, ai cũng nên chăm chỉ cả.

Còn “hiền” thì cũng tùy, hiền theo định nghĩa nào? Nếu “hiền” theo định nghĩa… đần thì thôi, xin trả lại cho các bác. Còn “hiền” như một bản tính tự nhiên thì khác lắm, rất đáng yêu.


– “Hiền” theo định nghĩa nào ta chưa bàn, nhưng tôi tin rằng trong mỗi người đàn ông Việt Nam đều có một sự gia trưởng nào đó, và họ có xu hướng áp đặt.

Nói chung, đã có cái tôi thì sẽ có gia trưởng, cách này hay cách khác thôi. Nhưng cái tôi mà đã va chạm với nhiều cái tôi khác, qua thời gian, qua trải nghiệm, tự khắc sẽ biết cách tôn trọng cái tôi khác mình, mà bớt gia trưởng đi.

Thế nên các anh giai yêu nhiều, đi nhiều, va chạm nhiều mới được các em gái mê mẩn. Bản chất cái tôi của các anh ấy vẫn thế, bản tính vẫn gia trưởng thế, nhưng các anh hành xử khôn ngoan hơn, có tình có lý hơn thôi. Nói đơn giản hơn, các anh ấy biết giá trị của gái hơn, và biết chiều lòng gái hơn.

– Lý thuyết này có đúng với gái nữa không anh?

Tất nhiên, cả hai chiều đều đúng. Với các em gái, chỉ cần thay từ “gia trưởng” (là từ dành cho đàn ông) bằng từ khác là xong. Để tôi nghĩ thử vài từ: “ghê gớm”, “tai quái” chăng? Có lẽ nên để các anh “gia trưởng” mà thiếu trải nghiệm gặp các chị “tai quái” xem cái tôi của họ cọ sát với nhau ra sao.

*Tăng Sâm giết người là chuyện Trung Hoa nói rằng bản tính con người hay cả tin. Nếu cứ tiếp tục nhồi nhét mãi một điều nói láo đến đâu vào đầu người ta, thì ngay cả người vững tin nhất cũng bị ảnh hưởng.

L.H. – P.H. (thực hiện)

logo

>>> Có thể bạn quan tâm: Con người vốn dĩ đã thiếu kiên nhẫn. Nhưng khi nhịp sống chậm và lưu lượng thông tin chảy vào từ tốn, con người không bị thúc ép và có thời gian để suy tư nhiều hơn. Giờ đây mọi thứ đều vận hành rất nhanh. Bạn sẽ tư duy sâu vào lúc nào nếu suốt ngày online trên Facebook, đếm từng cái like, trả lời từng cái comment và lang thang khắp các trang nhảm nhí?

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

06/03/2014, 14:51