Người của công chúng - được và mất gì từ reality show? - Tạp chí Đẹp

Người của công chúng – được và mất gì từ reality show?

Review

Thời này, sống chết gì cũng phải có mặt trên truyền hình thực tế. Mà xét cho cùng, diễn trong truyền hình thực tế cũng chả khác đóng phim là bao!

Hiến mình cho truyền hình thực tế

Năm ngoái The Voice ra mắt, phòng trà vắng hoe mỗi tối chủ nhật vì dân tình nằm nhà xem ti vi. Nhưng những tối khác các team dắt nhau chạy show thì đông khủng khiếp. The Voice năm đó như một con sóng cuốn phăng tất cả, đi đâu cũng chỉ có… The Voice. Và tất nhiên không thể phủ nhận được những gì chương trình này mang lại cho các huấn luyện viên (HLV). Thu Minh một bước lên hàng ca sĩ hạng Top, sau nhiều năm lụi cụi phía sau với một sự ám ảnh “giọng hát có, nhan sắc có, tại sao chưa thành?”. Trần Lập, tái sinh như một mảng rêu phong của bức tường, củng cố lại lượng fan để ra tự truyện và thực hiện liveshow tháng 12/2013. Còn Hồ Ngọc Hà giữ chiếc ghế siêu sao, đáp lại sự hoài nghi của giới chuyên môn bằng sự khôn khéo và kinh nghiệm của nhiều năm chinh chiến với showbiz…

Truyền hình thực tế

Đứng ở phía nhà tổ chức, việc tìm HLV – giám khảo ở các cuộc thi truyền hình thực tế không hề đơn giản. Cần có chuyên môn, sự công nhận của công luận, có khả năng ăn nói diễn xướng, chịu được áp lực cảm xúc tương tác giữa 3 đầu mối công chúng – nhà sản xuất – truyền thông… Những nhân vật đó không nhiều, và nó đặt ra thêm tình huống khó khăn cho nhà sản xuất: nếu chương trình có đối thủ, thì nhân vật chính của ta phải có sức nặng tương đương (hoặc hơn) của “địch”. Bói đâu ra?

Đứng từ phía các ngôi sao, thời thế cũng buộc họ không thể ngồi yên. Đương nhiên trong nghề nghiệp họ cũng có những đối trọng bắt buộc – những đối thủ vô hình cả về danh tiếng lẫn chuyên môn. Bởi thế khi đối thủ rục rịch – thu hút truyền thông, thì mình cũng phải mau chóng tìm một việc tương xứng (và ngược lại). Cứ thử xem. Khi Mỹ Tâm được mời ngồi ghế giám khảo Sao Mai điểm hẹn, thì Hồ Ngọc Hà được mời ngồi ghế HLV The Voice. The Voice của Cát Tiên Sa thắng thế trong mùa đầu tiên, BHD ngay lập tức bắt tay với Mỹ Tâm để mau chóng củng cố địa vị của cả hai… Khi hai sao bự này đường hoàng ngôi cao, Hồ Quỳnh Hương cũng chẳng thể “tĩnh lặng” được lâu hơn nữa, nay đã lộ diện vị trí giám khảo X-Factor mùa đầu tiên!

Ở nhóm cao hơn, khi lần lượt những diva Thanh Lam, Mỹ Linh, Trần Thu Hà thay nhau ở vị trí giám khảo các cuộc thi Sao Mai toàn quốc, Sao Mai điểm hẹn thì Hồng Nhung vẫn chưa… lộ diện. Hiệu quả ở một cuộc thi đào tạo nhóm hát nhỏ hơn không hiệu quả, đến tận mùa thứ 2 của The Voice, Hồng Nhung bất ngờ ngồi đúng vai trò dẫn dắt với cả hai sở trường hát và diễn (thậm chí cả về phong cách và thời trang nữa!) rất hiệu quả. Cuộc chiến giữa các diva thường không bao giờ dừng lại…

Thanh Lam có thể sẽ nuối tiếc đã từ chối “Giọng hát Việt” khi nhìn hiệu quả chạy show rộng khắp 2013 của Hồng Nhung và Mỹ Linh, liệu có chắc chị sẽ không trở lại vị trí giám khảo trong tương lai gần? Trần Thu Hà cũng đã nhận được lời mời ướm thử ghế “bộ ba” của Vietnam Idol nhưng vẫn chưa có kết quả chính thức. Và theo nguồn tin tin cậy, một ghế giám khảo X-Factor mùa đầu tiên đã được thỏa thuận xong với Thu Phương sau hai mùa chị vùng vẫy với vai trò tương tự tại một cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát ở hải ngoại…

Một thực tế không thể phủ nhận, rốt cuộc những siêu sao chỉ có chừng đó. Các cuộc thi thì ngày càng nhiều… Sóng truyền hình phủ dày đặc bởi các cuộc thi, nên cuộc chiến vô hình này sẽ còn kéo dài… Các ngôi sao sẽ còn bay nhảy qua lại giữa các cuộc thi, ca hát múa may đủ trò, miễn sao lên sóng cho đảm bảo tần số xuất hiện. Nếu không làm được giám khảo thì qua cuộc thi khác làm… thí sinh. Người thành danh có vị trí thì được ngồi ghế cao. Người chưa có danh muốn được biết đến nhiều hơn thì đâm đầu vào thi miết mải… Kịch bản hành động và đồ thị cảm xúc đã có nhà sản xuất sắp xếp, yên tâm là sẽ có ồn ào, sẽ có kích động, sẽ có chú ý và tranh luận… Người của công chúng là hạt nhân, chiêu trò là động cơ tạo ra từ trường tương tác giữ công chúng và chương trình.

Truyền hình thực tế

“Be Yourself” – Dám chơi dám chịu!

Trong cuộc trao đổi với lãnh đạo của nhãn hàng tài trợ chương trình truyền hình thực tế tiếng tăm số 1 trên sóng VTV năm nay, nhân vật này cũng không phủ nhận vai trò của các giám khảo ngôi sao. Trong đó, chính anh đánh giá, nhân vật thành công nhất trong số các HLV của The Voice (cả lớn lẫn nhỏ) là Mr. Đàm. Ở đó, ca sĩ này hiểu nhất công việc của mình: phải làm gì để đủ gây ấn tượng cho học trò, nói sao cho đủ gây sốc, và biết nâng tầm mình lên bởi sự xuất hiện của chính mình…

Cũng chính nhân vật này cho biết, anh là người được diva Thanh Lam tìm đến để tư vấn sau khi nhận được lời mời ngồi ghế nóng HLV. Và tư vấn của anh rất đáng để tham khảo: “Lam là người thẳng thắn trong nhận xét, không giỏi vòng vèo. Tuy nhiên, khi ngồi chiếc ghế này không hẳn cần nói hay hay nói dở, mà là người xem muốn nhìn thấy những gì họ chưa nhìn thấy ở các ngôi sao. Nếu ai đủ bản lĩnh ‘Be Yourself’ thì hãy ngồi ghế truyền hình thực tế”. Nếu so với 5-10 phút trên sân khấu của ca sĩ, họ thường chỉ cần thể hiện giọng ca của mình thì trong reality show, họ phải bộc lộ tất cả: trình độ văn hóa, trình độ giao tiếp, cảm xúc, thẩm mĩ thời trang… cho khán giả thấy. Không những thế, với các chương trình kéo dài các ngôi sao còn phải thể hiện cả bản lĩnh đối diện với công chúng, báo giới nữa… Áp lực không nhỏ khi so sánh với hấp lực của chiếc ghế này.

Bản lĩnh “Be Yourself” ngày càng mạnh mẽ hơn nếu nhìn sang các chương trình về giới thời trang, nơi những gương mặt không son phấn, những lời nói cạnh khóe hạ bệ lẫn nhau… đều được đưa ra như những yếu tố hữu cơ cấu thành từng phần của chương trình. Show America’s Next Top Model mùa thứ 20 lần đầu tiên đưa nam người mẫu vào cuộc chơi đã khai thác ngay thí sinh Marvin như một Don Juan thứ thiệt say nắng liên tục các thí sinh nữ và cao trào là cảnh thí sinh nữ Renee nửa đêm vác gối chui vào chăn anh chàng!

Còn ở Việt Nam, “Big Brother” sau hơn 10 năm toan tính cũng đã có mặt ở Việt Nam dưới cái tên “Người giấu mặt” và người ta sắp sửa được xem mọi hình ảnh 24/7 của những người bình thường rồi quyết định người chiến thắng! Yếu tố cá nhân của mỗi con người đang là mồi nhử của reality show. Chả mấy nữa người nổi tiếng cũng sẽ bị lôi vào cuộc, lúc là giám khảo – lúc là thí sinh, bởi yếu tố cá nhân của người nổi tiếng chính là thứ nguyên liệu xào nấu hấp dẫn nhất. Mới đây, Amazing Race Việt Nam mùa thứ hai đã quan tâm đến yếu tố này, và hãy nhìn “gạch đá” đổ lên đầu ca sĩ Pha Lê và diễn viên Nhan Phúc Vinh để hiểu sự được/mất của mỗi cuộc chơi thực tế!

“Be yourself” cũng chính là bí quyết dành cho các nhân vật của công chúng nói chung khi đến với chiếc ghế quyền lực hơn – như giám khảo chẳng hạn. Hơn ai hết họ thừa hiểu công chúng có muôn hình vạn trạng, chín người mười ý và họ phải chấp nhận cảnh làm dâu trăm họ. Có phe ủng hộ mình thì sẽ có phe đối trọng phản kích. Mạng xã hội phát triển lại càng làm những ý kiến đa chiều dễ đến với họ. “Be Yourself” được khẳng định ở bản lĩnh tự thân – cái mình làm, điều mình nói là đúng và mình tự tin với điều đó. Có thể ý kiến của mình là thiểu số, không giống đám đông thì phải đủ bản lĩnh để bảo vệ ý kiến đó, sẵn sàng đối diện với những ý kiến trái chiều – ít nhất bằng cách dám thể hiện tính cách, cảm xúc và lý trí của riêng mình.

Chẳng hạn không ai nghĩ điệu cười tuệch toạc của Siu Black lại có thể thành công hơn sự chỉ dẫn đầy chuyên môn của Quốc Trung hay Mỹ Tâm sau này. Cái nức nở khóc đây – cười đấy của Thu Minh lại vượt qua được ác cảm ban đầu, trở thành một dấu ấn mạnh mẽ hơn sự khôn khéo kỹ lưỡng của Hồ Ngọc Hà năm đó!… Cái duyên thực của mỗi người còn phụ thuộc vào thời thế, nay là đáng yêu – ngày mai nếu lạm dụng lại trở thành… dở ẹc. Chẳng biết đường nào mà lần, thôi cứ coi như trời cho ai người nấy nhận! Ngược lại, đừng cố giấu điểm yếu, một cuộc chơi dài hơi giấu mãi cái đuôi cũng có lúc lòi ra!

Làm giám khảo được gì thì ai cũng rõ cả rồi (?) Nhưng mất gì đâu phải ai cũng biết! Cái sự không tính trước được của việc phơi bày ra công chúng tấm chân dung thật của bản thân mới chính là điều mất mát lớn nhất. Không khó để nhận ra được tính cách thật của mỗi vị khi họ ngồi nhấp nhổm trên chiếc ghế nóng. Khôn ngoan, dại miệng, bon chen, kiêu hãnh… đủ cả. Cái mất lớn nhất chính là họ bắt buộc phải sống đúng bản chất của mình, mà không phải khi nào đó cũng là điều có thể đặt ra giữa chợ và thu lời từ đó.

Hiền Thục cũng đã sớm quyết định tự ngưng giấc mơ lần 2 ngồi ghế nóng The Voice Kids, bởi chính cô đã quá mệt mỏi khi phải chạy theo chương trình này. Cô ca sĩ này đã thú nhận, cô không bao giờ thích phải chạy đua với ai vì cô lượng được sức mình. Và trong The Voice Kids, cô biết mình là người yếu thế so với hai người đàn ông là Thanh Bùi và Hồ Hoài Anh, nên chưa bao giờ cô muốn vượt mặt họ. Thế nhưng, công chúng thì không muốn ngôi sao tự an bài, mà họ cần chứng kiến những cuộc chiến đấu.

Ai muốn “làm dâu”? Nhưng ngẫm cho cùng, “muốn” chắc gì đã “được” vì quyền tối thượng vẫn là nhà sản xuất. Đến ngôi sao thì cũng chỉ có quyền từ chối, mà người dám từ chối hấp lực của những cuộc chơi đương thời không nhiều! Chỉ có công chúng lại tiếp tục đóng vai “mẹ chồng” ngày một hoàn hảo hơn!  

Bài: Hoàng Trung

>>> Có thể bạn quan tâm: Có người đàn ông nào như Đỗ Bảo, sau 15 năm, tức là tới khi tổ chức đêm nhạc lớn riêng, mới tự đi mua, đi may cho mình bộ quần áo! Cứ như thể, cả quãng thì giờ đằng đẵng ấy anh chỉ dành sáng tác nhạc, tạo nên những “Cánh cung” và kể “Chuyện của mặt trời, chuyện của chúng ta”.  

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

05/12/2013, 13:46