Búp Sen Vàng & hy vọng ở những đốm lửa nhỏ - Tạp chí Đẹp

Búp Sen Vàng & hy vọng ở những đốm lửa nhỏ

Review

Búp Sen Vàng là giải thưởng thường niên của TPD. Mùa giải năm nay đánh dấu chặng đường 5 năm trưởng thành và phát triển của Chúng ta làm phim (WAFM) – một dự án nhằm phát hiện và tôn vinh các bộ phim ngắn của những nhà làm phim trẻ xuất sắc qua mỗi năm. Mặc dù trong điều kiện khó khăn nhất, Búp Sen Vàng 2014 lại có lượng phim ngắn tham dự kỷ lục: 110 bộ phim, trong đó có 6 phim ngắn xuất sắc nhất (3 phim tài liệu, 3 phim truyện) được tuyển chọn qua 3 vòng và được chiếu tại lễ trao giải diễn ra tối 3/8. 

Nếu phải nói một câu thật khái quát về đặc điểm chung của các bộ phim được lựa chọn tại lễ trao giải hôm ấy, người viết bài cho rằng đó là: đây là những bộ phim của những điều bình thường. Các bộ phim đều giản dị, gần gũi, từ câu chuyện, bối cảnh, nhân vật, và tất cả những điều khác. 

Phim tài liệu “Bà nội thích buổi tối” của Trần Ngọc Linh kể một câu chuyện bình thường ở mỗi gia đình: bà nội thích buổi tối nhất trong cả một ngày, vì đó là lúc cả nhà quây quần. Bà ở nhà một mình cả một ngày dài để mong đợi giây phút này. Bộ phim thực ra không có câu chuyện li kì, nhưng vẫn thú vị và vừa đủ. Không phải phim hài, nhưng chi tiết, lời thoại trong phim đã khiến mọi người bật cười. 

Nguyễn Lê Hoàng Việt (giữa) tại lễ trao giải

Phim tài liệu “Bao giờ về” của Trần Lê Dung có nhân vật chính là một bà cụ già sống một mình ở khu Phúc Xá, Hà Nội, một người nghèo khổ rất dễ bị lãng quên. 

Phim “Một ngày bình thường” của tác giả Nguyễn Duy Linh kể về một bạn học sinh lớp 12 mắc phải căn bệnh hiếm gặp và không tìm được sự đồng cảm, chia sẻ của bạn bè, gia đình, thậm chí cả các bác sĩ. Quá trình làm phim về người bạn này đã giúp Duy Linh hiểu: “Ai cũng có một cuộc sống riêng, có thể nhìn từ ngoài vào nó rất bình thường, đôi khi hoàn hảo, nhưng thực sự nó không đơn giản như thế. Chúng ta nếu thật sự quan tâm và thương yêu nhau thì hãy dành nhiều thời gian hơn, nhiều tình cảm hơn để lắng nghe câu chuyện của nhau.”

Các bộ phim tài liệu tại Búp Sen Vàng thường là của những học viên mới nhất tại TPD, nên chúng thể hiện cái nhìn hồn nhiên. Phim truyện của các nhà làm phim trẻ tại Búp Sen Vàng có nhiều suy nghĩ sâu sắc, trăn trở nhưng rất mới mẻ về cuộc sống, về tình yêu và đặc biệt là kỹ thuật rất tốt. Các bộ phim này đều phá vỡ cách kể chuyện thông thường mà đi sâu vào cảm giác. 

 “Hạt cam và con mèo vàng không tuổi” của Nguyễn Lê Hoàng Việt, một “anh cả” ở TPD xoay quanh cuộc sống của cô vợ trẻ và một người chồng bị bệnh, nằm liệt giường. Với ánh sáng và màu sắc rất đẹp, bộ phim giống như một ký ức, một giấc mơ và tràn đầy cảm xúc. “Sắc màu dịu êm” của Nguyễn Trung Kiên kể về chuyện tình yêu đã qua, những suy tư về quá khứ của một cô gái. Bộ phim có những góc máy rất đặc sắc, độc đáo, lời thoại của phim tinh tế và đầy sức rung động. “Chiếc bình thủy tinh” của Trần Thanh Vân tuy có bối cảnh giả tưởng nhưng lại thể hiện một vấn đề thời sự nóng bỏng của xã hội. Mặc dù vậy, bộ phim có cách kể rất nhẹ nhõm.  

Mặc dù rất thích và rất ấn tượng với các bộ phim được chiếu tại lễ trao giải, bài viết này sẽ không đề cập tới kết quả của Búp Sen Vàng 2014 mà xin kể các câu chuyện ngoài lề. Tại lễ trao giải, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nói về bộ phim (được coi như) đầu tiên của dự án Chúng ta làm phim, rằng cách đây 7 năm, có một nhóm học sinh lớp 11 đã tới TPD và nói rằng các em rất muốn làm một bộ phim để tham gia cuộc thi do đại sứ quán Nhật Bản tổ chức. Vì thời gian không phù hợp với một bộ phim truyện, nên đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã khuyên các em làm phim tài liệu. Các em quyết định sẽ làm phim về một người bạn ở Hưng Yên, một người cũng học lớp 11 giống các em, nhưng có cuộc sống ở nông thôn khiến các em thấy thích thú. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên khuyên các em về Hưng Yên và tìm hiểu về cuộc sống ở nông thôn của người bạn, biết đâu qua chuyến làm phim, các em có thể chia sẻ với bạn một điều gì. 

Bộ phim đầu tiên ấy được hoàn thành như thế nào, và có được giải không, anh Chuyên không nhớ, nhưng trong thời gian đó, dự án Chúng ta làm phim cũng được bắt đầu. Cuộc gặp gỡ với các bạn nhỏ đã khích lệ anh rất nhiều. Có một bí mật nho nhỏ mà đạo diễn Bùi Thạc Chuyên không nói với các em: một vài hôm sau cuộc gặp gỡ, anh đi chạy thể dục ngoài phố, anh nhìn thấy một chiếc xe bus đi ngược chiều. Buổi sáng sớm nên trên xe vắng người, anh nhận ra mấy cái đầu lố nhố của các cô cậu học sinh thành phố đang đi về Hưng Yên quay phim. Chỉ có một khoảnh khắc ngắn thôi, nhưng anh nhìn thấy ở đó sự hào hứng, vui vẻ, phấn khích ở gương mặt các em. 

“Điều mà tôi muốn nói đi nói lại trong dự án Chúng ta làm phim, đó là: niềm sung sướng của việc làm phim không phải ở kết quả của bộ phim. Không phải làm phim để được gì, thành công hay thất bại, mà sự sung sướng nằm ở lúc chúng ta làm phim. Bộ phim đầu tiên đó đúng như tiêu chí của TPD: sự chia sẻ và đối thoại. Điểm mạnh nhất của dự án Chúng ta làm phim chính là phim tài liệu, là sự chia sẻ của chúng ta dành cho nhau. Chúng ta tới đây để học cách chia sẻ. Chúng tôi vẫn thấy tinh thần đó trong chúng ta ngày hôm nay” – đạo diễn Bùi Thạc Chuyên kể lại. 

Cũng cần phải nói thêm, TPD trực thuộc Hội Điện ảnh Việt Nam, vốn được quỹ Ford tài trợ, nhưng từ năm ngoái, TPD phải tự lực cánh sinh và gặp nhiều khó khăn về tài chính. Trong suốt chặng đường của mình, TPD đã tạo ra một cộng đồng làm phim đông đảo và đầy đam mê. Và cũng chính TPD đã đóng góp cho điện ảnh Việt Nam những đạo diễn độc lập và tài năng như Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp, Nguyễn Hữu Tuấn, Đỗ Quốc Trung… 

Bài: Hoa Đường 

Ảnh: TPD


logo

>>> Có thể bạn quan tâm: Khán giả hiện nay gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc tập trung vào bất cứ thứ gì đòi hỏi sự chú ý trong một khoảng thời gian dài, và các phim tham gia Cannes năm nay ẩn chứa khá nhiều suy nghĩ về vấn đề này. 

Thực hiện: depweb

05/08/2014, 16:22