"Let Me In" – Ngoại hình không phải là tất cả, nhưng... - Tạp chí Đẹp

“Let Me In” – Ngoại hình không phải là tất cả, nhưng…

Làm Đẹp

Khán giả Việt Nam không còn xa lạ gì với những chương trình thời trang thay đổi phong cách, với sự tư vấn về thời trang và trang điểm, biến những cô gái giản dị thành những cô nàng quyến rũ, phong cách, tự tin. Nhưng dường như tất cả những chương trình thời trang đó đã bị lu mờ khi những tập đầu tiên của chương trình “Thay đổi cuộc sống” được phát sóng.

Nguyên nhân chính là sự thay đổi của từng nhân vật không chỉ dừng lại ở những bộ quần áo đẹp hay những kiểu trang điểm thời thượng, mà chính là sự thay đổi đúng nghĩa của câu nói “Vịt bầu hóa thiên nga”, những cô gái, và cả các chàng trai được thay đổi toàn bộ diện mạo nhờ phẫu thuật thẩm mỹ. Những cuộc đại phẫu thuật này được thực hiện tại Hàn Quốc – “cái nôi” của ngành công nghiệp thẩm mỹ. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà các nhân vật kém may mắn này được lựa chọn để được ban tặng một món quà chẳng khác nào “phụ mẫu tái sinh” như vậy.

Chương trình “Thay đổi cuộc sống” vốn là phiên bản được Việt hóa từ phiên bản gốc của Hàn Quốc có tên  “Let美人” –  phát âm là “Let Me In”, từ “Me In” chính là từ gốc Hán “Mỹ Nhân”, nên chương trình còn có tên khác là “Let Beauty”. Đây là chương trình đầu tiên dám khai thác và đề cập trực tiếp đến vấn đề phẫu thuật thẩm mỹ trên sóng truyền hình, được coi như mở ra một thời đại mới cho khán giả và những người quan tâm đến phẫu thuật thẩm mỹ. Bởi lẽ, tuy rằng được coi là “thánh địa” của các bệnh viện thẩm mỹ, và cũng có lẽ là đất nước duy nhất mà việc “phẫu thuật thẩm mỹ” được coi như “quà tặng thưởng” cho nữ sinh tốt nghiệp cấp 3, tuy nhiên Hàn Quốc cũng khá nhạy cảm và bảo thủ khi nói về vấn đề này. Thậm chí, những cuộc đối thoại đề cập đến phẫu thuật thẩm mỹ trên truyền hình sẽ bị chỉ trích là bất lịch sự. Đặc biệt, các quảng cáo về phẫu thuật thẩm mỹ bị cấm tuyệt đối trên sóng truyền hình.

Đấy chính là một trong những lý do hoàn hảo để các nhà sản xuất truyền hình nghĩ đến việc xây dựng một chương trình thực tế về phẫu thuật thẩm mỹ, tạo một mảnh đất màu mỡ để các bệnh viện và các bác sĩ có thể công khai quảng bá về tay nghề và công nghệ của mình, đồng thời đưa được nhiều thông tin hơn cho đối tượng khách hàng tiềm năng và những người có mối quan tâm đến việc thay đổi ngoại hình. 

Kết hợp giữa những thay đổi gây choáng váng nhằm câu khách, thu hút người xem, “Let Me In” cũng không quên cài cắm một yếu tố luôn rất được chú trọng trong các chương trình truyền hình dành cho khán giả Hàn Quốc và khán giả châu Á nói chung, đó là tính nhân văn. Chính vì vậy, cũng giống như nhiều chương trình thay đổi phong cách và “lột xác cho vịt bầu” khác, nhà sản xuất luôn lựa chọn những đối tượng nhân vật không chỉ không may mắn về ngoại hình, mà còn gặp những hoàn cảnh éo le, khó khăn trong cuộc sống.

Những người nổi tiếng tham gia dẫn chương trình gồm có ca sĩ Lady Jane, thành viên Mir của nhóm nhạc thần tượng MBLAQ, diễn viên nhạc kịch Hong Ji Min và Hwang Jin Hye

Phát sóng tập đầu tiên năm 2011, chương trình “Let Me In” có khẩu hiệu là “Tạo ấn tượng vượt qua bão dư luận”, với nội dung chương trình khá đơn giản. Những người dẫn chương trình là các diễn viên, thần tượng nổi tiếng, cùng với khách mời là 9 vị bác sĩ, gồm có bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, chuyên gia da liễu, bác sĩ răng hàm mặt và cả bác sĩ tâm lý, cùng một stylist và nhà tài trợ trang phục, chuyên gia trang điểm. Mỗi chương trình, ban tổ chức sẽ chọn ra 2 ứng viên với những khiếm khuyết ngoại hình đặc biệt. Mỗi ứng viên sẽ trình bày hoàn cảnh khó khăn của mình, tâm sự những trải nghiệm buồn do ngoại hình đem lại, ví dụ như không tìm được việc làm tốt, bị bạn bè bắt nạt hoặc bị người yêu ruồng bỏ. Sau đó, ban cố vấn sẽ thảo luận để chọn ra một ứng viên nhận được liệu trình phẫu thuật miễn phí, không chỉ dựa vào hoàn cảnh của họ, mà còn tùy vào tình trạng của khiếm khuyết và thời gian phục hồi.

Người được chọn sẽ được thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ hoàn toàn miễn phí, đồng thời còn được lựa chọn những bộ trang phục sành điệu hơn và trang điểm hoàn chỉnh, biến đổi thành một con người hoàn toàn khác. Điều kiện duy nhất mà họ phải chấp nhận đó là đồng ý cho ban tổ chức và các bệnh viện được sử dụng hình ảnh trước và sau khi phẫu thuật của mình để quảng cáo rộng rãi. Đây có lẽ là một điều kiện khá đơn giản, tuy nhiên không phải lúc nào các bệnh viện thẩm mỹ ở Hàn Quốc cũng có thể tìm được bệnh nhân tình nguyện cho công khai hình ảnh như vậy, vì các cô gái Hàn Quốc luôn tìm cách giấu giếm quá khứ về ngoại hình thật của mình. Chính vì thế, sự hợp tác trong chương trình “Let Me In” có thể được coi là có lợi công bằng cho cả hai bên, dù những ca phẫu thuật có thể trị giá tới hàng tỷ đồng Việt Nam.

“Let Me In” gây sốt tại Hàn Quốc và toàn châu Á không chỉ nhờ mức độ khác biệt hoàn toàn, đến mức không thể tưởng tượng được, vượt xa bất cứ chương trình thay đổi ngoại hình nào khác trên toàn thế giới, đem lại những cảm xúc mạnh mẽ, thậm chí cả nước mắt cho người xem, mà còn bởi nó còn làm dấy lên nhiều tranh cãi. Tranh cãi nhiều nhất chính là tâm lý cho rằng việc công khai đưa hình ảnh phẫu thuật thẩm mỹ lên sóng truyền hình là một điều hết sức bất lịch sự. Họ cho rằng điều đó sẽ khiến khán giả nước ngoài hiểu lầm rằng tất cả phụ nữ Hàn Quốc đều có vẻ đẹp nhân tạo.

Nhiều người khác cho rằng chương trình càng khiến cho nỗi ám ảnh về ngoại hình và khát khao phẫu thuật thẩm mỹ của phụ nữ, nhất là các cô gái trẻ tại Hàn Quốc sẽ càng trở nên điên cuồng hơn khi nhìn thấy các nhân vật trong chương trình có cuộc sống tốt đẹp hơn sau phẫu thuật. Và không chỉ thế, chương trình “Let Me In” cũng bị chỉ trích khi áp dụng nhiều chiêu trò thị phi giống như bao chương trình truyền hình thực tế khác.

Để làm tăng tính “diệu kỳ” của công cuộc phẫu thuật thẩm mỹ, ca ngợi ý nghĩa của những cuộc phẫu thuật đổi đời, ban biên tập chương trình đã không tiếc lời “dìm hàng” các nhân vật tham gia chương trình bằng những ngôn từ cay nghiệt nặng nề nhất về ngoại hình trước khi phẫu thuật của họ. Với giọng thuyết minh mang đầy tính “hình sự”, cùng với phụ đề và cả các kỹ xảo hiệu ứng, các nhân vật tham gia thường được đặt cho những biệt danh rất khó nghe, như “cô cằm chỉa thiểu năng”, hay “Búp bê ma”, giống như công khai chế giễu các nạn nhân một lần nữa trên sóng truyền hình. Đặc biệt, trong tập về một người phụ nữ có nhiều lông trên cơ thể, tuy tình trạng mọc lông bất thường của cô đã được ghi lại bằng một video clip trước đó, nhưng ngay tại trường quay, các khách mời vẫn tiếp tục yêu cầu cô cho xem các mảng lông của mình, trước mặt các bác sĩ và khán giả trực tiếp. Điều này thực sự là một sự xúc phạm nghiêm trọng tới lòng tự trọng của nhân vật, đồng thời còn khiến khán giả cảm thấy bất bình.

Chương trình dùng hiệu ứng ghép hình nhân vật với “búp bê ma” Chucky

Do thời lượng chương trình chỉ khoảng một giờ đồng hồ, nên tất nhiên, “Let Beauty” không thể trình chiếu tỷ mỉ quãng thời gian thực hiện phẫu thuật và điều trị sau phẫu thuật kéo dài hàng tháng của từng người tham gia. Thế nhưng, những người có chuyên môn cũng đánh giá rằng, ban biên tập đã cố tình cắt gọt các tình tiết trong quá trình phẫu thuật để đem lại cảm giác “đơn giản, an toàn” cho người xem.

Nhưng vượt lên những chỉ trích này, “Let Me In” vẫn biết cách lấy lòng khán giả, bằng cách khiến cho đông đảo phụ nữ cảm thấy đồng cảm với các nhân vật tham gia. Các cô gái tham gia chương trình luôn bày tỏ một nguyện vọng chung là “được giống như những người phụ nữ bình thường khác”; các bác sĩ, khách mời tham gia cũng thường phát biểu cảm xúc mang hàm ý “Chúng tôi rất vui mừng vì cô ấy đã vượt qua được hành trình phẫu thuật gian khổ này, và mong rằng cô ấy có thể hòa nhập vào cuộc sống một cách bình thường”. Chính từ khóa “Bình thường” này, chương trình đã khiến người xem cảm thấy việc phẫu thuật thẩm mỹ của nhân vật cũng giống như câu chuyện của mỗi người, mỗi nhà, cảm thấy việc thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ là việc gần gũi, thông thường, là điều tất yếu để có một cuộc sống ổn định. “Let Me In” cũng thường thể hiện tính nhân văn của mình bằng nhiều hành động hỗ trợ mang tính từ thiện khác, thậm chí lựa chọn cả hai ứng viên trong cùng một chương trình vì thấy họ cùng có hoàn cảnh éo le như nhau.

Dù có gặp phải những luồng ý kiến trái chiều về nội dung chương trình và thông điệp mà “Let Me In” mang tới cho cộng đồng, nhưng có một điều không thể phủ nhận, đó là những kỹ thuật phẫu thuật thẩm mỹ trong các chương trình đều rất đáng ngưỡng mộ, có tính toán chính xác và đem lại vẻ hài hòa, cân đối cho người tham gia.

Một trong những cuộc phẫu thuật được cho là thành công nhất chính là sự biến đổi cho cô gái Bae So Young có ngoại hình nam tính thành cô gái nữ tính đẹp mong manh như sương mai. Cuộc phẫu thuật được thực hiện bởi Bệnh viên ID – bệnh viện được coi là nơi khởi nguồn của kỹ thuật gọt cằm V-line tại Hàn Quốc. Các cô gái Hàn Quốc luôn thích có một gương mặt thật nhỏ và nữ tính, những khuôn hàm rộng, vuông sẽ bị coi là thô kệch, xấu xí, và sự thay đổi của cô gái này là minh chứng hoàn hảo cho sự đối lập đó.

Các bác sĩ nhận định Bae So Young có 3 khuyết điểm ngoại hình chính: Miệng bị hô, gò má rộng, đôi mắt mở lờ đờ và có nhiều hình xăm quá bụi bặm, nam tính, đáng sợ.

Kế hoạch phẫu thuật cho So Young bao gồm: Phẫu thuật thu nhỏ hàm để làm miệng cân đối lại và thu nhỏ cằm, thu nhỏ khuôn mặt; Phẫu thuật sửa mí mắt để có đôi mắt to, sáng; Phẫu thuật nâng mũi để có sống mũi cao và dễ thương.

Toàn bộ dự án “Cân bằng gương mặt” cho So Young bao gồm 6 bước: Phẫu thuật; Theo dõi tiến trình; Dưỡng da sau phẫu thuật; Chỉnh răng; Xóa hình xăm và Tiếp tục dưỡng da.

Bài: Eve Nguyễn

Nguồn: Tổng hợp

logo

Thực hiện: depweb

09/03/2015, 13:26