Perfume - Nước hoa và giới - Tạp chí Đẹp

Perfume – Nước hoa và giới

Xu Hướng Làm Đẹp

nước hoa 

Tôi cứ thắc mắc mãi với một người bạn tại sao người Việt lại dùng từ “nước hoa”, trong khi người phương Tây dùng “perfume”. Là một từ có gốc La tinh, “per fumum”, hay “qua làn khói”, thể hiện quan niệm của họ về gốc gác hay cách tạo hương thơm. Người ta cho rằng quan niệm này bắt nguồn từ phong tục đốt các hương liệu quý (như nhựa nhũ hương olibanum, nhựa thơm myrrh hoặc các loại cây cỏ dùng làm gia vị khác) của người Ả Rập, sau này được du nhập vào châu Âu. Người Việt cũng có thói quen đốt hương cho thơm cửa thơm nhà, hay thơm quần áo, thơm người, được thể hiện trong câu ca dao “chồng em áo rách em thương, chồng người áo gấm xông hương mặc người”.

Gốc gác của từ “perfume” không nhắc gì đến giới tính, tức là không cho chúng ta thấy hương thơm được gắn với nam hay nữ, hoặc hương thơm thể hiện giới tính như thế nào. Tuy vậy, nó cho chúng ta thấy thơm vốn là đặc quyền của người giàu. Vào thời cổ đại, các loại nhựa thơm tự nhiên hay gia vị quý hiếm đắt hơn vàng, chỉ được dành cho vua chúa hay trong các nghi lễ tôn giáo. Vua chúa Ả Rập coi nhũ hương olibanum, nhựa thơm myrrh, nhựa tuyết tùng là các món quà quý, dùng để thương lượng việc đại sự và nhiều khi cũng là nguyên nhân gây ra các cuộc chiến trong lịch sử. Từ “xông hương” trong câu ca dao Việt cũng thể hiện rõ vẻ khá giả của “chồng người”. Đồng thời, dân gian cho rằng việc đàn ông mặc áo gấm, xức hương thơm tho chẳng có gì là không “ra dáng đàn ông”, mà còn có vẻ hấp dẫn là khác.

Trở lại với vấn đề ngữ nghĩa, tôi không truy ra được nguồn gốc của từ “nước hoa”.Theo từ điển Việt – Hán – Pháp Eugène Gouin của Pháp in năm 1957, từ “parfum” được dịch thành hương thủy, hay nước thơm, trái hẳn với gốc “khói” của từ tiếng Pháp. Có thể suy đoán, người Việt giải nghĩa hương bằng sản phẩm được chế biến để đem lại hương thơm. Như vậy, liệu xưa kia chúng ta có dùng nước thơm ngâm hoa tươi để tắm rửa cho cơ thể sạch sẽ hay không? (Người bạn nhắc đến ở trên cho biết sử sách của Đức từ thế kỷ 17 có ghi chép người Trung Quốc chê người Việt là “mọi rợ” vì chúng ta tắm quá nhiều). Đó là do ảnh hưởng từ Ấn Độ (họ chính là những người đầu tiên nấu các loại thực vật trong nước để chưng cất tinh dầu thơm)? Hay từ “nước hoa” du nhập từ Pháp cùng các loại mỹ phẩm “l’ eau” đơn hương, mô phỏng hương thơm của các loài hoa tươi thịnh hành trong thế kỷ 19? Đây là giai đoạn nước hoa, từ chỗ là đồ dùng của giới quý tộc, trở thành các sản phẩm kinh doanh dành cho giới trung lưu ở châu Âu.

nước hoa

Tôi nghĩ rằng từ “nước hoa” cũng giống như “eau de toilette”, “eau de parfum” hay “eau de cologne” – mang ý nghĩa tiêu dùng, chỉ những sản phẩm của nền công nghiệp pha chế phục vụ cho tiêu dùng. Nếu từ “nước hoa” đến Việt Nam cùng các loại mỹ phẩm của nước ngoài thì lúc đó nó liên hệ chặt chẽ với tầng lớp giàu có, mang quan điểm hướng ngoại, trong đó phần đông chính là nam giới. Khi người đàn ông nào đó dùng nước hoa, anh ta có lẽ sẽ được coi là lịch sự và tân tiến kiểu Tây, không ai mảy may nghi ngờ gì về độ “chuẩn” nam tính.

Trong cuốn “Aroma: The Cultural History of Smell” (Mùi: Lịch sử mùi hương từ góc nhìn văn hóa) xuất bản năm 1994, tác giả Constance Classen viết rằng việc “nữ hóa” nước hoa diễn ra đầu thế kỷ 19, cùng sự ra đời của tầng lớp trung lưu ở châu Âu. Người đàn ông phương Tây theo đuổi sự nghiệp và quyền lực, không được phép thể hiện sự yếu đuối qua những sản phẩm “phù phiếm” như nước hoa (và chưng diện thời trang). Điều này cũng gắn liền với việc xã hội phương Tây đề cao vai trò của thị giác và thính giác so với khứu giác, xúc giác. Ngành công nghiệp nước hoa mới ra đời hướng sự chú ý đến phái đẹp và nước hoa – vốn được cả hai giới thuộc tầng lớp quý tộc ưa chuộng, trở thành “đặc quyền” của phụ nữ.Tất nhiên, đàn ông vẫn là người “cầm trịch” trong vai trò sản xuất và pha chế nước hoa. Mùi hương nào là thể hiện của nữ tính, hay nam tính, đều do phái mày râu định đoạt.

Chúng ta đã quen với việc nước hoa hiện nay được chia làm ba nhóm: cho nam, nữ và gần đây nhất là unisex, ai dùng cũng được. Tuy không ít người cho rằng đây thực ra là “phát minh” kỳ diệu của giới kinh doanh. Nước hoa – một sản phẩm thương mại cần phải được pha chế sao cho thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Như vậy, giới tính của nước hoa, hay mùi hương nào là nữ tính (dành cho nữ), và nam tính (dành cho nam) thực ra là những quy ước theo các quan niệm thịnh hành trong xã hội phương Tây.

Người đi tiên phong trong việc phá vỡ các nguyên tắc mùi hương này là Coco Chanel, với Chanel No5, một trong những loại nước hoa nổi tiếng nhất mọi thời đại ra đời từ ý tưởng pha chế một “hương thơm của người phụ nữ”, bác bỏ quan điểm thời bấy giờ cho rằng nước hoa nữ tính phải là những hương thơm mô phỏng các loài hoa trong thiên nhiên. Ngoài ra, ý tưởng về nước hoa trừu tượng, hình ảnh của lọ nước hoa hiện đại hình bình rượu nhỏ của nam giới, huyền thoại về số 5 màu nhiệm và tên tuổi của chính bà đóng vai trò không kém phần quan trọng. Không gian cho hương nữ tính lại được mở rộng hơn trong những năm chiến tranh thế giới thứ hai, khi người phụ nữ buộc phải đảm đương công việc của đàn ông, thay thế chồng con ra trận. Nước hoa hương da thuộc như Bandit (Robert Piguet cho ra mắt năm 1944) được xếp loại dành cho nữ giới nhưng “lấn sân” nam giới, để lại âm hưởng trong nhiều loại nước hoa dành cho phái mạnh sau này. Không ít ý kiến cho rằng Bandit còn “mạnh mẽ” hơn nhiều loại nước hoa dành cho nam giới hiện nay.

nước hoa

“Hình mẫu” của nước hoa androgyny – Jicky ra đời năm 1889 có lẽ là ngoài ý muốn của nhà pha chế Aime Guerlain. Jicky được coi là nước-hoa-cho-phụ-nữ trừu tượng đầu tiên, không giống bất cứ hương thơm nào có trong thiên nhiên (ba thập kỷ trước Chanel No5). Tuy vậy, hương thơm mới mẻ, kết hợp hương hoa oải hương với chất vanillin ngọt phấn thời cuối thế kỷ 19 này đã được giới dandy (xem thêm bài thời trang tiêu điểm: “Sành điệu & Queer” trang 110) của Paris cực kỳ ưa chuộng. Đây cũng là “công thức” cho Le Male (năm 1995) – nước hoa “nổ” vì quá ngọt tuy được dành cho nam giới của Jean Paul Gaultier. Phải gần một thế kỷ sau Jicky, vào năm 1994, nước hoa unisex đầu tiên CK One mới được lăng xê trên thị trường với quảng cáo liên hệ trực tiếp đến giới tính: “cho đàn ông hoặc đàn bà” và Kate Moss – người mẫu có thân hình androgyny như của một cậu thiếu niên trong vai chính. Hãy để ý đến chữ “hoặc” trong lời quảng cáo của CK One, khác với quan niệm nước hoa để chia sẻ (shared) giữa hai giới của nhà pha chế cho Hermes Jean Claude Ellena. Tôi nghĩ là những người đàn ông dandy cuối thế kỷ 19 chọn Jicky một phần vì họ biết đó là nước hoa dành cho phái đẹp. Đối với họ, đây hẳn là một cuộc chơi với những quan niệm về sự chuẩn của giới tính nữ và nam. Nếu như nước hoa unisex hiện nay khai thác “không gian thơm” chung được cả nam và nữ chấp nhận, thì quan điểm “shared” hay “androgyny” có thể ví với sự “cải trang”, hoán vị, thậm chí vặn lại những quan niệm thịnh hành về nam tính và nữ tính.

Bài: Thành Lukasz

logo

Làm thế nào để khử mùi nước hoa khi vô tình xịt “quá tay”? Dưới đây là một vài mẹo bỏ túi dành cho bạn. 

Hãy chia sẻ bí quyết làm đẹp của bạn với độc giả Đẹp Online bằng cách gửi thông tin, hình ảnh và công thức làm đẹp của bạn tại đây. Bài được chọn đăng sẽ hưởng nhuận bút theo quy định chung của tòa soạn.

Thực hiện: depweb

20/12/2013, 20:20