Da trắng như tuyết và môi đỏ như Geisha - Tạp chí Đẹp

Da trắng như tuyết và môi đỏ như Geisha

Xu Hướng Làm Đẹp

Nàng Maiko trên phố

Đừng nhầm Geisha với gái điếm

Từ những năm giữa thế kỷ 20, khi mới bước ra khỏi cuộc chiến thương đau, mất đi cả con người, tiền bạc lẫn danh dự, Nhật Bản tìm cách xây dựng lại hình ảnh đất nước với các biểu tượng văn hóa: hoa anh đào, rượu sake, kimono… Những bức hình các cô gái vẽ cách điệu với làn da trắng bóc và đôi môi như kẻ chỉ cũng ngấm ngầm len lỏi trong các cửa tiệm văn hóa phẩm, được in trên lịch hay các bức ảnh trang trí.

Có rất nhiều tranh cãi xunh quanh việc tại sao phụ nữ Nhật Bản lại thích trang điểm cho gương mặt trắng một cách bất thường như vậy? Có ý kiến cho rằng vào thời kỳ mới tiếp xúc với thế giới bên ngoài, những người Nhật Bản trở về từ châu Âu mang theo câu chuyện về các người đẹp có gương mặt trắng sứ, như một thứ biểu tượng mới. Lại cũng có ý kiến cho rằng đây thực chất là sự ảnh hưởng từ nền văn hóa Trung Hoa vào thời đại Heian (794-1185).

Phụ nữ thời đại Heian dùng bột gạo hoặc bột trắng chiết xuất từ than chì, trộn với nước thành hỗn hợp bột nhão phết mỏng rồi thoa lên mặt. Họ còn nhổ bỏ lông mày và vẽ đường lông mày mới cao gần trán. Để hoàn thiện vẻ đẹp đầy kịch tính này, nhiều cô còn nhuộm răng đen. Tất nhiên lớp màu này chỉ bám tạm thời và răng trở về màu trắng vài ngày sau đó. Tới thời Minh Trị thì không còn tập tục nhuộm răng đen nữa. Ngày nay chỉ các nghệ sĩ Kabuki hay những nàng Maiko trong tuần cuối cùng trước khi chính thức trở thành Geisha mới nhuộm răng.

Thời kỳ Heian được coi như “Kỷ nguyên vàng”, với vẻ đẹp phụ nữ được đánh giá là lãng mạn và thanh lịch. Vẻ đẹp này là nguồn cảm hứng cho tạo hình của phụ nữ sau này, nhất là khi làn sóng Geisha xuất hiện (thời hoàng kim là vào thế kỷ 18-19). Ban đầu, phong cách của các nàng Geisha cũng không có gì đặc biệt, thậm chí còn khiến người ta liên tưởng đến những cô gái điếm hạng sang. Điều này khiến chính phủ vốn nghiêm khắc thời bấy giờ rất bận tâm, tìm cách phân định giữa Geisha và gái điếm. Họ đưa ra rất nhiều quy định như áo kimono của Geisha phải có màu tối hơn, hoa văn đơn giản hơn. Mái tóc cũng được bới ít cầu kỳ hơn, sử dụng ít phụ kiện hơn. Và quan trọng nhất, họ trang điểm đơn giản và sáng màu hơn.

Cảm hứng Geisha trên sàn diễn Dior SS2007 tại Paris

Nhìn đôi môi, đoán được… tuổi nghề

Tất nhiên, không phải tất cả các cô gái đánh phấn trắng và môi đỏ đều là Geisha. Một cô gái bước vào tập sự được gọi là Maiko, sau khi đã học hỏi đủ mọi kỹ năng như nói chuyện, đánh đàn, múa hát… họ mới chính thức mang danh Geisha.

 

Khi mới vào nghề, một nàng Maiko thường phải thoa lớp phấn trắng dày cộp trên mặt cả ngày. Những ngày đầu nàng cần được giúp đỡ bởi các chị, các cô có kinh nghiệm, sau đó nàng cần nhanh chóng học cách tự trang điểm. Kiểu trang điểm đậm này vẫn phải giữ nguyên cho tới khi đã chính thức trở thành Geisha được 3 năm. Sau đó cô bắt đầu được trang điểm nhẹ hơn, trang phục và bới tóc cũng bớt cầu kỳ hơn. Người ta lý giải bởi lúc này vẻ đẹp của cô đã nằm trong sự trưởng thành và nghệ thuật biểu diễn, không nằm ở vẻ bên ngoài nữa. Những Geisha trên 30 tuổi thường chỉ trang điểm khi biểu diễn vũ đạo.

Cầu kỳ nhất trong lúc trang điểm là lớp phấn trắng trên mặt. Các cô thường phải tiến hành nhiều bước, thoa nhiều lớp khác nhau để phấn “ăn” vào da, đều màu và không bị rạn. Ngày nay khi đánh phấn trắng các cô thường để chừa một đường viền lộ da thật phía chân tóc, tạo cảm giác đang mang một chiếc mặt nạ. Lông mày và mắt thường được vẽ bằng màu đen pha đỏ, và dường như những nét vẽ nhằm tập trung sự chú ý vào đôi môi.

Phải nói qua về chất son dùng cho việc vẽ màu môi của Geisha. Đa phần họ sử dụng son chiết xuất từ hoa rum (một loài hoa có nhiều cánh nhỏ màu vàng, được coi là biểu tượng vùng Yamagata, trong tiếng nhật gọi là “benibata”, tiếng Anh là “safflower”). Sau khi thu hoạch, người ta nghiền nát rồi phơi trong 2-3 ngày cho hoa lên men và chuyển sang màu đỏ thẫm. Tỷ lệ màu đỏ chiết xuất từ mỗi bông hoa rum là rất nhỏ, nên giá thành son khá cao.

Khi trang điểm, các cô cho son vào một chiếc chén sứ, hòa cùng một chút nước rồi dùng cọ nhỏ tô lên môi. Khi mới bắt đầu học nghề, các cô Maiko chỉ tô một chút son đỏ giữa môi dưới, bởi trong truyền thống, người nhật cho rằng đôi môi nhỏ là biểu hiện của sự nhục dục và quyến rũ. Sau năm đầu tiên, Maiko bắt đầu tô tới môi trên. Khi đã thành Geisha họ tô môi nhiều hơn nhưng vẫn giữ hình dáng nhỏ hơn môi thật. Phải rất lâu sau đó họ mới tô kín đôi môi. Vì thế, nhìn vào đôi môi người ta có thể đọc được tuổi nghề, kinh nghiệm, độ trưởng thành của mỗi cô.

Chẳng bao lâu sau khi “Hồi ức một Geisha” trở thành bestseller (1997), dường như ai cũng điên lên vì hình ảnh này. Ai có thể quên được Madonna trong trang phục kiểu Geisha, trang điểm với phấn nền trắng và đôi môi đỏ thẫm. Từ đó tới nay, nghệ thuật trang điểm Geisha được copy rất nhiều trong thế giới thời trang châu Âu, trong các trang tạp chí, trên các sàn diễn, và cả trong các bảng màu của các nhãn hiệu mỹ phẩm danh tiếng…

Bài Minh Châu

Câu chuyện “Son đỏ”:

>> Son đỏ: Điều huyền diệu bị chối bỏ

>> Da trắng như tuyết và môi đỏ như Geisha

Thực hiện: depweb

07/06/2012, 15:48